Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính sách hỗ trợ lãi suất được kỳ vọng là “phao cứu trợ” để các DN vượt qua khó khăn hiện tại, tuy nhiên DN vẫn chưa dễ tiếp cận gói hỗ trợ này. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP là vô cùng cần thiết.

Tiến độ của gói hỗ trợ lãi suất 2% đang rất chậm

Theo số liệu thống kê mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam), tính đến cuối tháng 12/2022, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt hơn 52.000 tỷ đồng; dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 35.000 tỷ đồng; số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 135 tỷ đồng, cho hơn 1.700 khách hàng. Việc giải ngân gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kỳ vọng.

Vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh hoạ
Vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ảnh minh hoạ

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) Võ Anh Tài cho rằng, trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, ngành du lịch cũng như DN bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề và thời điểm này vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ nhưng thực tế các DN vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhiều DN du lịch cho biết, mặc dù có khả năng trả nợ, song cũng không dám khẳng định “có khả năng phục hồi” để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%. Vì hiện nay, các tiêu chí để đánh giá khả năng phục hồi thường là những kết quả định lượng như doanh thu, sản lượng, lợi nhuận kinh doanh phải tăng; hoặc các tiêu chí định tính như diễn biến, chiều hướng, triển vọng kinh doanh của khách hàng…

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Việt Hưng Thủ đô Trần Thị Thu Hiền cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, trong khi muốn phát triển hoặc mở rộng hoạt động thì phải dựa vào nguồn vốn tăng cường. Từ đó, bà Hiền mong muốn có được những cơ chế chính sách phù hợp, để tạo điều kiện cho DN bứt phá.

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến Nguyễn Thị Bích Huệ, đối với DN để phát triển bền vững thì yếu tố quan trọng nhất là hiệu quả của chính sách tầm vĩ mô; nguồn nhân lực, cũng như nguồn lực tài chính. Khi đó DN mới có thể tập trung vào phát triển nội lực của mình.

Các DN cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2%, cần tháo gỡ ách tắc về các thủ tục, điều kiện thì DN mới có thể tiếp cận, nhất là DN nhỏ và vừa khi mà họ rất khát vốn.

Sửa quy định, mở rộng đối tượng

Hiện nay, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Theo Tờ trình số 151 về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. NHNN nêu rõ, từ khi ban hành chính sách, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương.

Tuy nhiên kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc như: Khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định điều kiện hỗ trợ "có khả năng phục hồi" và một số hộ kinh doanh lại không có đăng ký kinh doanh...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, việc gỡ vướng để giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cần thiết. NHNN sẽ xem xét để mở rộng thêm những đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2023 và báo cáo lên cấp có thẩm quyền để có thể xem xét thêm về việc mở rộng đối tượng.

Theo TS  Cấn Văn Lực, với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng gặp vướng mắc ở chỗ xác định đúng đối tượng. Đối tượng chủ yếu ở đây là hộ kinh doanh, hộ gia đình, yêu cầu đặt ra với họ là phải đăng ký kinh doanh. Trong khi trên thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh, hộ gia đình chưa đăng ký kinh doanh.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, đề xuất sửa đổi này là hợp lý và nên trao quyền nhiều hơn cho tổ chức tín dụng. Nếu DN đủ tiêu chuẩn tiếp cận tín dụng ngân hàng thì sẽ được hỗ trợ. Điều đó đồng nghĩa với việc mở rộng cả đối tượng và phạm vi hỗ trợ. Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay nhưng để khơi thông được gói hỗ trợ, cần có quy định mở rộng đối tượng cho vay.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng DN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, minh bạch hoá các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp DN sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ. Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: Sớm ban hành quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ công tác liên ngành để tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng.

 

DN muốn vay vốn hỗ trợ vô cùng khó. Bởi lẽ, với yếu tổ chưa có tiền lệ, chính sách hướng dẫn còn mang tính chung chung nên DN mất rất nhiều thời gian để làm thủ tục. Cơ quan quản lý nên tập trung hướng dẫn DN làm thế nào cho đúng, thay vì coi họ là đối tượng vi phạm pháp luật. Được như vậy, DN vừa dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi triển khai cấp vốn.

Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM – Nguyễn Minh Thảo

Cùng với đó, hoạt động kiểm tra của NHNN và tổ công tác được tiến hành chủ yếu tại các NHTM. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.

Thực tế, qua khảo sát các DN, vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát chưa thực sự rõ ràng. Nghị định này mới chỉ quy định theo hướng NHNN và Tổ công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được hỗ trợ lãi suất, tổ công tác liên ngành làm việc theo quy chế do NHNN ban hành.

Tuy nhiên, hiện nay NHNN chưa ban hành quy chế này và cũng chưa có quy định cụ thể hơn để các DN có thể yên tâm rằng, hoạt động kiểm tra tại Nghị định này không gây chi phí quá mức một cách không cần thiết cho DN. Nếu có quy định minh bạch, rõ ràng hơn có thể phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng.

 

Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ có mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm. Tổng gói hỗ trợ khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ lãi suất áp dụng đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (20/5/2022) đến ngày 31/12/2023.

Về phương thức hỗ trợ lãi suất, quy định giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số lãi tiền vay được hỗ trợ lãi suất. Hoặc ngân hàng có thể thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi. Vốn hỗ trợ lãi suất lên tới 40.000 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ là nguồn hỗ trợ không nhỏ giúp DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.