Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng trong đầu tư phát triển công trình xanh

Thành Luân - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn, thiếu nguồn nhân lực… đang cản trở DN đầu tư phát triển công trình xanh.

Tiết giảm năng lượng nhờ vật liệu xanh

Thực tế cho thấy, nếu các chủ đầu tư nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, hướng tới thực hiện công trình cân bằng về năng lượng (Net Zero Energy) sẽ giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành.

Thăng Long Number One - Công trình xanh đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận. Ảnh: Công Hùng
Thăng Long Number One - Công trình xanh đầu tiên ở Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận. Ảnh: Công Hùng

Đại diện Công ty Kính nổi Viglacera Trần Quốc Khánh cho biết, Viglacera đã nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ xanh, kính tiết kiệm năng lượng để phục vụ các công trình xanh hiện đại. Từ năm 2016, DN đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 triệu mét vuông/năm với hai dòng sản phẩm chính là kính Low-E và kính Solar Control. Đây là những sản phẩm kính cách nhiệt, cản nhiệt cao cấp, áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Tập đoàn Von Ardenne Gmbh (Cộng hòa Liên bang Đức).

Với khả năng kiểm soát tốt năng lượng từ bức xạ mặt trời truyền vào nhà, sản phẩm này góp phần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí lên đến 69%. Ngoài ra, kính còn có khả năng ngăn đến 99% tia UV, tạo ra không gian sống thoải mái và bảo vệ sức khỏe người sử dụng. “Khi sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng nói chung và kính tiết kiệm năng lượng nói riêng, các công trình sẽ tiết kiệm được lượng lớn năng lượng tiêu thụ. Đồng nghĩa, chi phí đầu tư và chi phí vận hành sẽ giảm đi đáng kể” – ông Quốc Khánh khẳng định.

Đưa ra những giải pháp cụ thể giúp chủ đầu tư phát triển hiệu quả các công trình xanh, Giám đốc chương trình Công trình bền vững Việt Nam (Sustainable Building Vietnam) Lê Phương Anh đề xuất, các chủ đầu tư nên lắp kính Low-E với thông số đặc trưng nhiệt cụ thể cho toàn bộ công trình. Cùng với đó, nếu chủ đầu tư các dự án không sử dụng tường bê tông kết hợp với tối ưu hệ thống điều hòa không khí, dự án sẽ tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng tiền điện/năm.

Bàn về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng Tạ Đắc Quý chia sẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động trong những năm gần đây khiến nhiều ngành nghề đang có xu hướng tìm đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó có ngành vật liệu xây dựng.

Tại Việt Nam, vật liệu cách nhiệt, vật liệu xanh đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi vì nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng, giúp giữ được tính thẩm mỹ của công trình. Hơn nữa, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, dễ gây thấm nước, ẩm mốc tường nhà. Vật liệu cách nhiệt bảo đảm được các yếu tố không hút nước hoặc cản nước nên giữ được sự bền đẹp cho công trình xây dựng. Đồng thời, vật liệu này có tuổi thọ cao và có thể tái chế, không phát thải các khí độc hại ra môi trường.

Giải bài toán chi phí thiết kế

Theo thạc sĩ, KTS Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và xây dựng Đất Việt (Vilanco), việc áp dụng mô hình thông tin xây dựng (BIM) trong thiết kế, đánh giá công trình xanh giúp việc phân tích hiệu suất thiết kế dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chi phí thiết kế công trình xanh là một vấn đề không dễ giải quyết, đơn giá Nhà nước quy định chi phí thiết kế không cao hơn công trình thông thường dẫn đến thiệt thòi cho người thiết kế. Với công trình tư nhân thì có thỏa thuận riêng, chi phí tư vấn cũng khá cao vì phải chạy các phần mềm mô phỏng, tính chi phí theo giờ công của chuyên gia.

Theo các chuyên gia, sở dĩ tại Việt Nam hiện nay rất khó có được công trình xanh thực chất là bởi chủ đầu tư chưa coi trọng phần thiết kế và giá trị thực của nó. Trong khi ở nước ngoài, chi phí thiết kế chiếm tới 10% tổng vốn đầu tư thì đối với công trình có vốn Nhà nước tại Việt Nam chi phí này chỉ vỏn vẹn 1% của giá trị xây lắp (loại trừ chi phí thiết bị).

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Tạ Ngọc Bình - Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế đầu tư và Xây dựng số, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc triển khai BIM vào thực tế mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức.

"Lộ trình áp dụng BIM của Chính phủ hiện nay đối với ngành xây dựng, vào năm nay (2023), áp dụng BIM bắt buộc với các công trình cấp I và tới năm 2025 sẽ áp dụng với các công trình cấp II. Chính vì vậy, cần phải ban hành những nội dung hướng dẫn cụ thể để thực hiện lộ trình. Đồng thời, đưa ra quy trình hướng dẫn cho việc thẩm định trực tiếp trên mô hình BIM, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn hướng dẫn, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu xuyên suốt từ T.Ư xuống địa phương" - TS Tạ Ngọc Bình cho hay.

 

Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng tòa nhà… Năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh. Sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh.