Gỡ vướng về quy định phòng cháy, chữa cháy

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt DN nhiều ngành nghề trên cả nước trong thời gian qua đứng trước tình trạng ngưng trệ bởi “mắc kẹt” với các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Mới đây, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong PCCC, các bộ, ngành và địa phương đang ráo riết vào cuộc tìm hướng giải quyết.

Doanh nghiệp lao đao

Lực lượng Công an TP Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Hai Bà Trưng khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Phạm Hùng
Lực lượng Công an TP Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Hai Bà Trưng khắc phục các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Phạm Hùng

Theo tìm hiểu, những vướng mắc về PCCC của các DN chủ yếu liên quan đến Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, có hiệu lực từ ngày 10/1/2021.

Đề cập về những khó khăn của các nhà thầu xây dựng hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh, các quy định về PCCC đang cản trở hoạt động của DN. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) lại cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới. Sự thiếu hợp lý trong quy định về kiểm định vật liệu PCCC, gây tốn kém về chi phí cho DN.

Trong khi đó, ông Phạm Hải Phong - đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, các vướng mắc liên quan đến quy định PCCC hiện nay không chỉ là vấn đề của DN công nghiệp hỗ trợ mà cũng là vấn đề của nhiều DN ngành nghề khác đang gặp phải, nhất là khi muốn thực hiện đầu tư mở rộng công trình nhà xưởng kinh doanh.

Hiện nay các DN đang gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó đáng kể nhất là chi phí tuân thủ pháp luật liên quan đến PCCC, đăng kiểm… đang “bào mòn” sức khỏe của DN.

Còn bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng chỉ ra một số điểm vướng mắc liên quan đến quy định PCCC đang khiến hàng nghìn DN "mắc kẹt".

Các văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục có sự thay đổi, gây khó cho DN. "Chỉ trong vòng 18 tháng nhưng có tới 3 văn bản, trong đó có 2 thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Bản thân DN đang đầu tư theo phương án cũ, bây giờ lại phải thẩm định, nghiệm thu theo phương án mới mà không có hướng dẫn chuyển tiếp khiến các DN cũng như cán bộ thẩm tra bị mắc kẹt" - bà Phạm Thị Ngọc Thủy nói.

Cùng cảnh ngộ như các DN, ngày 10/4 vừa qua, hơn 200 chủ cơ sở kinh doanh karaoke của 11 tỉnh, TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh... nêu ra vướng mắc liên quan đến các điều kiện đảm bảo an toàn trong PCCC.

Có những quy định, chính họ cũng không biết phải đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng như thế nào cho đúng. Các quy định cũ và quy chuẩn mới bị chồng chéo; quy chuẩn mới đưa ra thì không có hướng dẫn khiến nhiều DN lao đao, đứng bên bờ vực phá sản.

Gỡ nút thắt như thế nào?

Liên quan đến vấn đề tháo gỡ những nút thắt về PCCC, Đại tá Nguyễn Minh Khương – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho hay: Thời gian qua, Cục đã chủ động, tích cực theo dõi tình hình, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN về thực hiện quy định PCCC.

Lực lượng Công an TP Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn cơ sở kinh doanh karaoke khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC. Ảnh: Đạt Lê
Lực lượng Công an TP Hà Nội kiểm tra, hướng dẫn cơ sở kinh doanh karaoke khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC. Ảnh: Đạt Lê

Qua trao đổi, nhận thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các khó khăn nêu trên là do đơn vị tư vấn, chủ đầu tư chưa nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật về PCCC, lựa chọn nhà thầu có năng lực hạn chế dẫn tới chưa thực hiện đúng quy định.

Về quy định phải bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu (như dùng sơn chống cháy, vữa chống cháy...) và phải kiểm định kết cấu công trình do Bộ Công an đặt ra có nhiều ý kiến gây khó cho DN, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã hướng dẫn chung: Đối với các trường hợp các dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo quy định Nghị định 79/2014/NĐ-CP (trước 10/1/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình theo quy định.

Đối với các dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136 có hiệu lực, phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.

Đối với các trường hợp cụ thể, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đề nghị chủ đầu tư cung cấp chi tiết hồ sơ thiết kế về PCCC của công trình để các bên cùng tìm giải pháp phù hợp, đúng quy định pháp luật về PCCC, sớm đưa công trình vào sử dụng…

 

Việc kiểm tra, rà soát lại những cơ sở không có khả năng khắc phục để buộc cơ sở đó phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc đi địa điểm khác. Còn khi cơ sở kinh doanh karaoke quay lại hoạt động thì chủ DN phải cam kết hoạt động đúng giờ, không sử dụng những gì Nhà nước cấm, đảm bảo điều kiện PCCC.

Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội)

Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Cục đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn về Quy chuẩn PCCC. Cụ thể, trong quá trình thực hiện quy định về PCCC, Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên tục tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân để sửa đổi, bổ sung các quy định của Quy chuẩn góp phần bảo đảm an toàn PCCC và tạo điều kiện cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà DN còn vướng mắc, như: Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính; giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất; giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực; giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC.

Đối với các công trình không đáp ứng yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC thì được lựa chọn nhiều giải pháp ngăn cháy khác để thay thế như sử dụng các tường ngăn cháy, kết cấu ngăn cháy, cũng như trang bị bổ sung hệ thống chữa cháy tự động…

Thông tin về vấn đề cơ sở karaoke đang vướng mắc trong PCCC, theo Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an TP Hà Nội) cho hay, toàn TP có hơn 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke lớn nhỏ, trong đó hơn 400 cơ sở nhỏ lẻ tự phát, không có đăng ký kinh doanh… những trường hợp này chắc chắn phải tự giải thể.

Bên cạnh đó có 1.000 cơ sở, trong đó 600 cơ sở chưa được cấp phép đầy đủ giấy tờ liên quan về PCCC, an ninh trật tự, văn hóa… cũng phải củng cố, hoàn thiện. Đơn vị đã phân cho công an 30 quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phải giải thích cho hộ dân, hộ kinh doanh, không để người dân bức xúc.

 

Việc đưa ra quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC là cần thiết. Khi đưa ra, các cơ quan cũng so sánh quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước. Từ đó tính toán lựa chọn quy định phù hợp với điều kiện Việt Nam, cũng như phù hợp tốc độ, trình độ phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Bộ Công an chỉ triển khai thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành, còn các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC liên ngành do các bộ khác. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC phù hợp nhất với điều kiện kinh tế, không trở thành vật cản cho phát triển. Tuy nhiên, không phải vì phát triển kinh tế mà hạ thấp các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Phải đặt tính mạng và tài sản người dân lên trước hết...

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần