Tuyển sinh ngành y không có môn Sinh:

Góc nhìn của bác sĩ và sinh viên y khoa

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tuyển sinh ngành y bằng tổ hợp không có môn Sinh học là câu chuyện thu hút sự quan tâm của thí sinh và dư luận trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022. Những bác sĩ công tác trong ngành y và sinh viên đang học y khoa nghĩ sao về hướng tuyển sinh này?

Bổ sung tổ hợp trong tuyển sinh ngành y

Theo phương án tuyển sinh mới được công bố của một số trường đào tạo khối sức khỏe, ngoài tổ hợp quen thuộc trong tuyển sinh ngành y từ trước đến nay là B00 (Toán, Hóa, Sinh) thì năm 2022, các trường này đã mở rộng xét tuyển thêm tổ hợp khác không có môn Sinh.

Tiết học lâm sàng của sinh viên ĐH Y- Dược (ĐH Thái Nguyên)
Tiết học lâm sàng của sinh viên ĐH Y- Dược (ĐH Thái Nguyên)

ĐH Y Dược Thái Bình xét tuyển thêm tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh) ở ngành Y khoa; A00 (Toán, Lý, Hóa) ở ngành Dược học và ngành Kỹ thuận xét nghiệm y học; A01 (Toán, Lý, Anh) ở ngành Dược học và B08 (Toán, Sinh, Anh) ở ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng.

ĐH Y tế Công cộng xét tuyển thêm các tổ hợp: D01 (Toán, Văn, Anh) ở ngành Y tế công cộng; A01 và D07 ở ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học; D01, D07 ở ngành Dinh dưỡng; A00, D01, A01 ở ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng.

ĐH Đại Nam xét tuyển 2 tổ hợp là A00 và A01 cho ngành y khoa. ĐH quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh tổ hợp A00 và A02 cho ngành y. Trong khi đó, các trường ĐH y dược lớn như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược (ĐH Huế), ĐH Y Dược Cần Thơ vẫn áp dụng tuyển tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) cho ngành y.

Thực tế, việc tuyển sinh ngành y không có môn Sinh đã được một số trường thực hiện từ năm 2021 như ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên), ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ĐH Y Dược Hải Phòng.

PGS.TS Ngô Thanh Bình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y dược Thái Bình cho biết, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển vào ngành y dược, mục đích chính để tạo thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn. Có những thí sinh khi thi làm bài không tốt môn mình định xét tuyển nhưng lại đạt điểm cao ở môn khác. Những năm trước, trường chỉ tuyển Toán, Hóa, Sinh cho ngành y nên cơ hội lựa chọn của thí sinh bị hạn chế. Việc này mở rộng tổ hợp xét tuyển không phải vì trường bởi những năm trước điểm chuẩn vào trường rất cao, không thiếu nguồn tuyển. Tất cả là là vì thí sinh.

Là xu hướng?

Bác sĩ Đỗ Thái Sơn- cựu sinh viên K32, ĐH Y Dược Thái Bình bày tỏ: Tuyển sinh ngành y mở rộng xét tuyển tổ hợp có ngoại ngữ mà không có môn Sinh là xu hướng hợp lý, đảm bảo đầu ra tốt hơn cho đào tạo y khoa với những bác sỹ tốt cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ. “Quá trình học ở trường ĐH tôi thấy không có môn Sinh trong tuyển sinh đầu vào không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, vì môn sinh ở bậc THPT không liên quan nhiều đến các kiến thức bậc ĐH. Các môn cơ sở như Sinh lý, Mô học, Di truyền… đã bao quát hết và sau khi vào trường, sinh viên sẽ được học bài bản từ đầu. Với tuyển sinh ngành y, hai môn Toán, Hoá thể hiện tư duy; thêm môn ngoại ngữ nữa sẽ tạo lợi thế rất lớn cho sinh viên y khoa. Với việc đào tạo ngành y cho tương lai, tôi thấy tổ hợp Toán- Hóa- Ngoại ngữ là hợp lý hơn cả; và tôi tin, đó là xu hướng tất yếu”, bác sĩ Đỗ Thái Sơn khẳng định.

Đa dạng tổ hợp trong xét tuyển ngành y góp phần tăng cơ hội cho thí sinh (Ảnh minh họa)
Đa dạng tổ hợp trong xét tuyển ngành y góp phần tăng cơ hội cho thí sinh (Ảnh minh họa)

Đồng ý quan điểm cho rằng đào tạo ngành y bổ sung tổ hợp có tiếng Anh là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, bác sĩ Đỗ Huy Hùng- đang công tác tại Bệnh viện K Hà Nội chia sẻ: Học sinh có tư duy tốt ở môn Toán, Lý hoặc Toán, Hóa cộng tiếng Anh giỏi, nếu có nguyện vọng xét tuyển vào ngành y thì hoàn toàn có thể học được. Kiến thức nền tảng của môn Sinh ở bậc THPT cộng việc đào tạo từ đầu các kiến thức liên quan đến môn Sinh ở bậc đại học sẽ cung cấp hành trang đủ đầy cho sinh viên y khoa; cùng với đó, niềm đam mê, đạo đức, trách nhiệm được hun đúc sau thời gian học và làm đi kèm vốn ngoại ngữ nữa; đó là những yếu tố rất quan trọng với bác sĩ hiện nay.

Tuy nhiên, sinh viên y khoa năm 3 Trần Cao Nguyên lại cho rằng, sẽ là sai lầm, không thiết thực nếu tuyển sinh ngành y không có môn Sinh. “Dựa trên qua các năm đã học trên giảng đường và đi lâm sàng tại các bệnh viện, em thấy rằng, để có thể hiểu, khám và chữa bệnh thì Sinh học là môn chính không thể bỏ qua. Nếu tuyển sinh tổ hợp không có môn Sinh thì ngày từ năm nhất ĐH, sinh viên sẽ bị ngợp với các kiến thức đào tạo mới. Ngành y là khám chữa bệnh trên cơ thể sống; mà để hiểu cơ thể sống thì Sinh học là điều kiện quyết định, là gốc rễ trong đào tạo; chưa kể, nhờ môn Sinh, sinh viên sẽ có căn bản để học cao hơn và chọn chuyên ngành cho mình”- sinh viên Trần Cao Nguyên bày tỏ.

Dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề trên nhưng rõ ràng, ngoài tổ hợp được coi là truyền thống Toán, Hóa, Sinh thì việc xét tuyển bổ sung tổ hợp trong tuyển sinh ngành y không chỉ tăng cơ hội cho thí sinh mà còn giúp nhà trường nâng cao chất lượng đầu vào bởi kể cả công tác trong ngành y nhưng có nhiều chuyên ngành khác biệt, đi kèm đó là các nhiệm vụ có tính chất khác nhau. PGS.TS Ngô Minh Xuân (chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng ủng hộ việc đa dạng khối tuyển sinh ngành y, nhất là tổ hợp có tiếng Anh. Theo ông, việc chọn được thí sinh giỏi vào học ngành y rất quan trọng. Một thí sinh giỏi môn Sinh nhưng tiếng Anh không tốt có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn thí sinh chỉ khá môn Sinh nhưng tiếng Anh tốt trong quá trình học tập y khoa. Tiếng Anh tốt có thể đọc tài liệu từ nước ngoài, công bố bài báo khoa học và làm việc sau này; như vậy, kiến thức sẽ được bồi đắp nhiều hơn, sự tự tin và tinh thần hợp tác quốc tế cũng tăng theo. Có thể nói, việc mở rộng tổ hợp tuyển sinh trong các trường đào tạo y khoa là hợp lý và tất yếu.