Gói 120.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội: Bốn ngân hàng lớn vào cuộc

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank thống nhất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Mỗi ngân hàng cho vay quy mô 30.000 tỷ đồng

Cụ thể, Vietcombank ngày 14/4 thông báo triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô 30.000 tỷ đồng.

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng cam kết dành 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
Vietcombank là một trong 4 ngân hàng cam kết dành 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

Thời gian ưu đãi lãi suất là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà. Lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ. Lãi suất cho vay cụ thể theo thông báo của Vietcombank trong từng thời kỳ.

Trước đó, Agribank là ngân hàng đầu tiên thông tin về gói tín dụng thực hiện theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Bên cạnh những nội dung tương tự về đối tượng và lãi suất cho vay, Agribank còn cho biết ngoài hạn mức vay theo quy định, nếu khách hàng là người mua nhà có tài sản bảo đảm bổ sung, sẽ được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án.

Chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 120.000 tỷ đồng này được triển khai tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank và sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, thống nhất gói tín dụng mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay áp dụng đến hết 30/6 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Từ 1/7, định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội được triển khai - cả doanh nghiệp và người dân đều đang mong chờ những ưu đãi. Nhận xét về gói tín dụng dành cho bất động sản, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, khẳng định: Tín dụng cho bất động tăng tới 24%, tăng gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và chiếm tới 20% trong tổng tín dụng cho nền kinh tế "Cứ 5 đồng bỏ ra, đã có 1 đồng vào bất động sản. Vì vậy, việc có thêm gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là một sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng" - TS Ánh nói.

Cần lãi suất cố định, thủ tục nhanh gọn

Mặc dù gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đã sẵn sàng nhưng thời gian đầu, các chuyên gia cho rằng sẽ khó có thể giải ngân hiệu quả bởi phân khúc nhà ở xã hội vẫn thiếu nguồn cung.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có thống kê gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổng hợp danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư có nhu cầu vay vốn theo các đợt.
Theo đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong số đó, các chủ đầu tư dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, được giao đất, cho thuê đất và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng...

Một lãnh đạo trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh chia sẻ, sau khi có công văn của Ngân hàng Nhà nước, nhà băng này đã sẵn sàng chuẩn bị nguồn vốn giải ngân cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. “Với chủ đầu tư sẽ căn cứ vào danh mục dự án đủ pháp lý cho vay do Bộ Xây dựng công bố. Đối với người mua nhà ở xã hội chỉ cần đủ điều kiện hồ sơ mua dự án là được vay như danh sách 10 nhóm đối tượng theo Luật Nhà ở” - vị này cho biết.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, gói tín dụng này dành 50% (khoảng 60 nghìn tỷ) cho vay các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, còn lại là dành cho người mua nhà ở xã hội vay. Vì vậy, khi vay vốn khách hàng phải tuân thủ theo quy định của các ngân hàng thương mại.

Dù đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho người vay và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhưng ông Thịnh cho rằng lãi suất 8,2%/năm cho người mua nhà ở xã hội là quá cao so với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.

Hơn nữa, với lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội thấp hơn 1,5-2%/năm lãi suất cho vay trung dài hạn và thay đổi 6  tháng một lần theo lãi suất cho vay thương mại, người vay mua nhà sẽ gặp nhiều rủi ro nếu lãi suất thương mại tăng, chưa kể thời gian ưu đãi quá ngắn, chỉ kéo dài năm năm. Do đó, theo các chuyên gia, cần áp một mức lãi suất cố định, Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và thời gian ưu đãi phải kéo dài hơn, ít nhất phải 15 năm.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi của gói này áp dụng từ nay đến 30/6 là 8,2%/năm đối với người mua nhà ở xã hội dù tốt hơn mức lãi suất trên 9%/năm mà người dân đã vay song vẫn rất cao so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm đối với người mua nhà ở xã hội (quyết định số 2081 của Ngân hàng Nhà nước) và mang yếu tố bất định khi có thể lên hoặc xuống.

"Hơn nữa, thời gian ưu đãi năm năm quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội. Do đó, sau thời gian ưu đãi, khi người dân phải đi thỏa thuận sẽ dẫn đến rủi ro cho bên vay. Nếu phải trả lãi theo lãi suất thương mại bình thường, đây thực sự là gánh nặng đối với bên vay khi đây đều là người có thu nhập thấp" - ông Châu nói.

Bên cạnh đó, theo các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội luôn mong muốn thủ tục đầu tư dự án, thủ tục giải ngân phải được giải quyết nhanh, nếu thủ tục dự án chậm trễ, kéo dài thì hỗ trợ một vài phần trăm lãi suất cho vay làm dự án sẽ không còn ý nghĩa.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, các ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn theo chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng. Ngân hàng có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc chương trình này theo quy định của pháp luật.

“Để vay được gói tín dụng này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện trong diện được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, hay chung cư cũ được cải tạo, theo quy định của pháp luật. Đồng thời cũng phải đáp ứng các điều kiện về vay vốn theo quy định hiện hành của ngân hàng thương mại, tuân thủ các quy định liên quan đến pháp luật về cho vay”- bà Hà Thu Giang nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước là chủ lực thực hiện chương trình này, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết khuyến khích các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay.