Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, về lâu dài, Chính phủ cần thành lập quỹ hỗ trợ hoạt động DN nhằm yểm trợ, nâng cao sức chống chịu của DN trước với những cú sốc thị trường.
Khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Sau đại dịch Covid-19, hầu hết các DN đều phải đối mặt với những khó khăn như: Mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng…, đặc biệt rất nhiều DN phản ánh thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Sau 2 năm dịch Covid-19, những DN yếu kém không có năng lực cũng gần như đóng cửa rồi, còn những DN có cơ hội phục hồi được, họ cũng đang mong muốn có nguồn tiền hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế kinh tế, đây cũng là một trong những nhu cầu rất thiết thực.
Trong khi đó, Chính phủ cũng mong muốn hỗ trợ DN thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2%. Điều này cho thấy Chính phủ đã nhận thấy vấn đề cần thiết phải hỗ trợ cho DN để thúc đẩy quá trình hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông kỳ vọng như thế nào đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% mà Chính phủ dành cho DN?
- Việc triển khai hỗ trợ lãi suất này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp DN giảm bớt chi phí vay vốn và tạo động lực cho DN phục hồi nhanh hơn. Bởi, trong thực tế việc vay nợ của các DN vốn đã rất khó khăn.
Hơn nữa, những DN có khả năng vay được vốn, có nhu cầu tăng trưởng thì gần như họ đã vay rồi và số DN này cũng đang cần vay vốn để tái cấu trúc. Như vậy, rõ ràng việc DN vay vốn để tăng trưởng là rất quan trọng và cần thiết. Nhưng cũng phải nói thật là rất khó, bởi DN phải đáp ứng đủ các điều kiện mới được vay theo quy định của ngân hàng. Đây là khó khăn rất lớn đối với DN trong giai đoạn hồi phục và tăng trưởng khi gặp phải tình huống vừa thiếu vốn, vừa nợ và có đi vay cũng rất khó khăn.
Gói hỗ trợ lãi suất 2%, với quy mô 40.000 tỷ đồng, được triển khai trong 2 năm 2022 và 2023, liệu trong khoảng thời gian này, các DN có thể hấp thụ hết được gói hỗ trợ này không, thưa ông?
- Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ lưỡng để đưa ra gói hỗ trợ này sao cho trúng, đúng và kịp thời nhất trong khoảng thời gian phù hợp với tình hình hồi phục của nền kinh tế và phù hợp với khả năng, năng lực ngân sách mà Chính phủ có. Và gói hỗ trợ hồi phục kinh tế trong 2 năm thì không phải quá ngắn.
Để DN có thể hấp thụ tối đa được gói hỗ trợ này, tôi đề xuất các ngân hàng cần tích cực cho vay các DN có các dự án sản xuất kinh doanh tốt và giải ngân dần dần theo tiến độ thực hiện dự án, từ đó giúp các DN vừa có nguồn vốn hồi phục và tăng trưởng nhưng đồng thời vừa được hưởng lãi suất hỗ trợ 2% mà Chính phủ đề ra.
Ông có khuyến nghị nào đối với cơ quan quản lý Nhà nước, với các ngân hàng trong việc hành động quyết liệt để gói hỗ trợ lãi suất 2% được đưa vào thực thi hiệu quả?
- Vấn đề này tôi và các chuyên gia cũng đã nhiều lần nói tại thời điểm Chính phủ đề xuất đưa ra gói hỗ trợ. Chúng ta cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch thực thi các hoạt động của nền kinh tế, như vậy gói hỗ trợ mới nhanh chóng đi vào thực tiễn được. Nếu không quyết liệt trong các kế hoạch thực thi thì hiệu quả của gói hỗ trợ sẽ giảm đi, trong khi thời gian chỉ có 2 năm để các DN hồi phục.
Song song với đó, có hướng dẫn thực hiện chi tiết, rõ ràng, cụ thể gói hỗ trợ này để các ngân hàng giải ngân vốn kịp thời, đúng đối tượng, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh thay vì vào kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản...
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước từ T.Ư tới địa phương khi tiếp nhận hồ sơ của các DN cần đẩy nhanh tốc độ duyệt xét, thiếu sót hồ sơ đến đâu yêu cầu bổ sung ngay tới đó, giúp DN tiếp cận nguồn hỗ trợ kịp thời, tránh lỡ nhịp kinh doanh, sản xuất.
Có một thực tế khi lãi suất cho vay ở mức rất ưu đãi nhưng nhiều DN vẫn khó tiếp cận. Theo ông cần có giải pháp nào cho thực trạng này?
- Trước hết tôi muốn nhấn mạnh là vốn cho DN trong thời điểm này là rất cần kíp. Bởi lẽ trong bối cảnh các chi phí đều tăng lên như hiện nay, điển hình như giá xăng dầu, việc tiếp cận được nguồn vốn rẻ giúp DN tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động, nâng khả năng sinh lời.
Vay vốn ngân hàng luôn là một vấn đề không đơn giản với các DN. Để vay được vốn ngân hàng, DN phải đảm bảo đủ các điều kiện về tài sản đảm bảo, không có nợ xấu, khả năng thanh khoản…
Rõ ràng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đòi hỏi các DN phải có kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như lịch sử tín dụng tốt thì mới được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi. Vì vậy, để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, DN cần phải có kế hoạch, phương án hoạt động, kinh doanh hiệu quả, phương án sử dụng vốn vay minh bạch để ngân hàng có thể duyệt xét một cách nhanh chóng.
Về phía các ngân hàng cần linh động xem xét các điều kiện DN được giải ngân nhanh chóng, nếu không khó có thể hỗ trợ kịp thời cho DN. Một trong những vấn đề Chính phủ cần lưu tâm trong thời gian tới, đó là thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động DN bởi nếu không có Quỹ đó thì khó có thể yểm trợ cho DN ứng phó, chống chịu với những cú sốc thị trường.
Thị trường chứng khoán lành mạnh là kênh huy động vốn của DN
Bên cạnh nguồn vốn chính sách của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thì DN còn có thể huy động nguồn vốn từ những kênh nào, thưa ông?
- DN có thể huy động vốn từ kênh thị trường chứng khoán bao gồm cả việc phát hành các cổ phiếu bổ sung cũng như phát hành trái phiếu DN. Đây là cơ hội để các DN có thể huy động được nguồn vốn với lãi suất hợp lý và với một lượng đủ lớn để hồi phục và tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc lùm xùm trong phát hành trái phiếu của một số DN khiến cho thị trường trái phiếu gặp khó khăn.
Lại nói về thị trường chứng khoán, theo ông cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp nào để đưa thị trường chứng khoán đi vào nền nếp, thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt hơn cho DN?
- Tôi xin được nhắc lại là hoạt động thị trường chứng khoán đang có những khó khăn trong thời gian qua do một số DN khuấy động, huy động trái phiếu quá mức gây ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế. Từ đó Chính phủ đã có các biện pháp để loại bỏ rủi ro và kìm giữ khả năng khủng khoảng của thị trường này.
Trên cơ sở như vậy, để thị trường này đi vào nền nếp thứ nhất, Chính phủ cần có đường hướng, siết chặt các quy định về luật pháp để quản lý tốt nhất trong việc xây dựng thị trường chứng khoán.
Thứ hai, phải tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý đối với các chủ thể trên thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng để từ đó mang lại hiệu quả trong quy trình quản lý.
Thứ ba, phải xem xét, hoàn chỉnh lại hoạt động của cơ quan quản lý mà trước nhất là Ủy ban chứng khoán nhà nước cũng như của các cơ quan có trách nhiệm liên quan nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý trong thời gian tới đây. Có như vậy, chúng ta mới có khả năng để xây dựng thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, minh bạch theo đúng mong muốn, đảm bảo trở thành cái kênh phân phối, huy động vốn trung và dài hạn tốt của DN.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Từ tháng 10/2021 đến nay, các DN đã dần quay trở lại, bắt nhịp nhanh chóng vào vòng quay hồi phục và tăng trưởng, tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc trong 3 tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng đã đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021, vượt hơn một nửa chỉ tiêu dự kiến cho cả năm ở mức khoảng 14% theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 20/5/2022. Như vậy, thay vì dồn toa vào nửa cuối năm như trước, tín dụng đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm.