Gợi mở không gian sống hài hoà giữa quá khứ và tương lai

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển lãm “Tương lai không gian sống Việt Nam - giấc mơ đô thị” vừa diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm đã giới thiệu đến công chúng các đề xuất về kiến trúc, quy hoạch từ 5 đề tài nghiên cứu của 5 công ty kiến trúc tham gia chương trình.

Sự kiện là một trong những hoạt động chủ đạo của chương trình Architecture Leader Perspective (ALP – Tầm nhìn lãnh đạo kiến trúc) 2021-2022 với chủ đề “Tương lai không gian sống Việt Nam - Những tiếp cận kiến trúc đầu tiên” vừa được LIXIL Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Triển lãm về các đề xuất không gian sống cho người Việt tại phố đi bộ  Hồ Gươm.
Triển lãm về các đề xuất không gian sống cho người Việt tại phố đi bộ  Hồ Gươm.

Tương lai của không gian sống

5 đề án trong chương trình ALP 2021 - 2022 đã được giới thiệu tại triển lãm các đề xuất về kiến trúc, quy hoạch như những tiếp cận đầu tiên về tương lai không gian sống Việt Nam. Các đề án đều hướng đến giải pháp có tính thực tiễn, gợi mở cho những mô hình có thể ứng dụng ở quy mô khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tương lai không gian sống tại Việt Nam, gồm: “Nhà ở ven đô”, “ZU - Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu”; “Giải pháp và thiết kế cho cho không gian công cộng trong nhà ở cao tầng”, “Trí tuệ nhân tạo: Từ kiến trúc đến đời sống” và “Mô hình nhà ở tái lập”.

Một trong những đề tài thu hút sự chú ý của giới kiến trúc Việt Nam là “Nhà ở ven đô” của KTS Nguyễn Duy Thanh và KTS Đào Hải Nam. Theo KTS Nguyễn Duy Thanh: “Xung quanh đô thị lớn ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là tập hợp của những ngôi làng làm nông nghiệp, nông thôn truyền thống. Bản chất từ lâu đời, những ngôi làng này có hệ sinh thái cân bằng giữa môi trường sinh sống của người dân, cũng như không gian sản xuất. Thời gian qua, đô thị phát triển như một vết “dầu loang” đã xâm chiếm không gian nông nghiệp, nông thôn làm cho sự thay đổi cơ bản cấu trung không gian văn hoá truyền thống”.

Dẫn chứng về điều này, KTS Nguyễn Duy Thanh đã đưa ra hình ảnh của làng Văn Phú (Hà Đông). Trong khoảng 15 – 20 năm, tốc độ đô thị hoá nhanh đã lấp đầy các khoảng không gian trống, không gian nông nghiệp, không gian xanh được chuyển đổi thành dãy nhà chia lô. “Ngày xưa, không gian bao bọc xung quanh làng là luỹ tre giờ là các bức tường bê tông” – KTS Nguyễn Duy Thanh nhấn mạnh.  

Thông qua những hình ảnh được giới thiệu, đề án đã đưa ra định hướng phát triển không gian thí điểm cho khu vực làng xóm đô thị hóa, từ thiết kế cảnh quan (bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống, phát triển những nét cảnh quan hiện có, bổ sung không gian công cộng) đến kiến trúc (nhận dạng mẫu nhà điển hình của khu vực, định hướng thiết kế cho từng mẫu nhà).

Những tiếp cận đầu tiên

Bên cạnh nội dung về “Nhà ở ven đô”, đề tài “Giải pháp và thiết kế cho cho không gian công cộng trong nhà ở cao tầng” định hướng thiết kế mới nhằm tối ưu hóa không gian công cộng cho những dự án khu nhà ở cao tầng trong tương lai. “Trí tuệ nhân tạo: Từ kiến trúc đến đời sống” đề xuất mô hình sử dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra các thiết kế phù hợp đồng thời tiết kiệm nhân công, lao động vận hành cũng như tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải hiệu quả hơn. Đề tài “Mô hình nhà ở tái lập” gợi mở giải pháp thay đổi diện mạo, không gian đô thị trong tương lai nhất là tại một số khu vực có tình trạng xuống cấp, thiếu không gian xanh ở nội thành Hà Nội.

Trước đó, ngày 1/7, nhằm công bố đề xuất từ 5 đề tài nêu trên, LIXIL Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tương lai không gian sống Việt Nam - những tiếp cận kiến trúc đầu tiên”. Hội thảo có sự tham dự của gần 200 kiến trúc sư, nhà thiết kế, chủ đầu tư và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như: kiến trúc, nội thất, quy hoạch, vật liệu xây dựng, xã hội học… cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan cũng như làm rõ hơn vai trò của giới nghề trong việc giải quyết những hạn chế đang tồn tại.

Khi được hỏi quan điểm về câu chuyện không gian sống cho người Việt tương lai, nhất là ở các đô thị có mật độ cư dân cao, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nói đến khái niệm"Quy hoạch cộng đồng" được người Bắc Mỹ rất coi trọng, nghĩa là sau khi quy hoạch đô thị phải song song tính đến quy hoạch cộng đồng với cách tổ chức không gian sống cho từng nhóm cộng đồng có bản sắc riêng, theo nhu cầu riêng. “Ở Việt Nam có phần chưa ứng dụng khái niệm này. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi quan sát thấy Việt Nam có quy hoạch đô thị nhưng về mặt quy hoạch cộng đồng phát triển khá tự phát. Ở khu vực có quy hoạch cộng đồng, người ta ứng phó với dịch linh hoạt hơn” - TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

Còn theo Tổng Giám đốc LIXIL Việt Nam Uchidate Katsuaki: “Hai năm đại dịch vừa qua, nhu cầu về một không gian sống tốt hơn cho con người được đặt ra ngày một cấp thiết. Vì vậy, với chủ đề năm nay: Tương lai không gian sống Việt Nam, ALP 2021 - 2022 đặt trọng tâm tìm kiếm “chìa khóa” cho không gian sống của Việt Nam, từng bước giải quyết các vấn đề trong thực trạng kiến trúc - xây dựng hiện nay”.

Các kết quả nghiên cứu thực tiễn sẽ được đưa thành những đề xuất giải pháp với các tổ chức, chủ đầu tư, các cơ quan quản lý để góp phần nâng cao chất lượng không gian sống của người Việt trong tương lai.