Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Nếu quy định sai thì nên sửa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh việc gói 30.000 tỷ đồng đang làm tá hỏa cả nghìn khách hàng đã ký gói vay này, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, trong câu chuyện này có vấn đề sai cơ bản của chính sách.

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh việc gói 30.000 tỷ đồng đang làm tá hỏa cả nghìn khách hàng đã ký gói vay này, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, trong câu chuyện này có vấn đề sai cơ bản của chính sách.
Quy định mập mờ, khó hiểu
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng: Nếu quy định sai thì nên sửa - Ảnh 1Quy định vay gói 30.000 tỷ đồng giải ngân sau 1/6/2016 phải chịu lãi suất thương mại khiến khách hàng như bị gài bẫy, trách nhiệm này thuộc về bên nào, thưa ông?

- Điều 2, Thông tư 11/2013 của NHNN hướng dẫn về cho vay gói 30.000 tỷ đồng đã nêu rõ, nguồn tái cấp vốn của NHNN cho các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ kết thúc khi gói này giải ngân hết hoặc không quá 36 tháng. Gói tín dụng có 2 điều kiện: Thứ nhất, về số tiền “chốt” là 30.000 tỷ đồng. Nghĩa là dù thời hạn quy định 3 năm, nhưng nếu trong vòng 6 tháng, cho vay hết 30.000 tỷ đồng thì cũng sẽ dừng lại. Thứ hai, về thời gian, kéo dài tối đa là 3 năm, nếu sau 3 năm, dù chưa cho vay hết 30.000 tỷ đồng thì cũng vẫn sẽ dừng lại. Cho đến thời điểm này, theo số liệu của Bộ Xây dựng thì vẫn chưa cho vay hết, và khả năng đến tháng 6 vẫn chưa cho vay hết, nhưng vẫn sẽ dừng lại theo điều kiện thứ 2.

Điều cần lưu ý ở đây là phải xem xét đến cái gốc của vấn đề. Thứ nhất, khi người mua nhà được ký hợp đồng, tức là đã được chủ đầu tư, NH thẩm định trên cơ sở hàng loạt xác nhận cực khó khăn với một cơ số con dấu mà người đi vay phải vượt qua để đủ điều kiện. Thứ hai, nếu hợp đồng đã được ký, tất nhiên khách hàng sẽ phải được giải ngân đúng quy định. Tôi cho rằng, ngay từ lúc ký hợp đồng, các ngân hàng phải tư vấn và giải thích rõ ràng cho khách hàng hiểu vấn đề này và khách hàng cũng phải đọc kỹ trước khi ký.

Quan điểm của NHNN cho đến thời điểm hiện tại vẫn thực hiện đúng tiến độ giải ngân, tức là đến thời điểm 1/6, người dân đã đăng ký vay nhưng không kịp giải ngân thì vẫn không được tiếp tục vay gói 30.000 tỷ đồng?

- Với cách giải thích của các NH thì rõ ràng về tình về lý, khách hàng đi vay sẽ chịu thiệt do “không đọc kỹ hợp đồng”. Thực tế tiếp cận với một số hợp đồng tín dụng áp dụng cho một khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng để mua căn hộ thương mại, tại điều khoản về lãi suất cho vay cũng chỉ ghi rằng “Mức lãi suất và phương thức điều chỉnh lãi suất đối với các khoản giải ngân trong khoảng thời gian được giải ngân để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của NHNN thì thả nổi theo thông báo của NHNN về lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11 và Thông tư 32/TT- NHNN (áp dụng không vượt quá thời điểm 1/6/2013)”. Rõ ràng, không có một điều nào nói rằng những khoản giải ngân sau ngày 1/6/2016 khách hàng sẽ phải chịu lãi suất thương mại, không còn được hưởng ưu đãi. Thậm chí khi đọc điều khoản này, những người am hiểu về luật pháp cũng tỏ ra mù mờ, không hiểu điều khoản này nói gì.

Theo tôi, về pháp lý, về tinh thần của gói ưu đãi, cũng như hợp đồng, thì thông báo mà các NHTM đặt ra cho khách hàng đều không đúng. Và cần phải sửa, chứ không thể bắt người đi vay chịu chịu cảnh đem con bỏ chợ. Việc sửa sẽ không vi phạm gì tinh thần của gói tín dụng này.
Khu đô thị mới Linh Đàm. 	Ảnh: Thường Lệ
Khu đô thị mới Linh Đàm. Ảnh: Thường Lệ
Lỗi tại ai?

Nếu giải ngân kéo dài sau ngày 1/6 họ chịu lãi suất thương mại, lúc này khách hàng sẽ phải làm gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng khách hàng cứ căn cứ trên hợp đồng vay, được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian vay, còn nếu NH thực hiện sai hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm. Nếu NH giải thích “căn cứ vào tình hình dư nợ tín dụng cho vay ưu đãi của NHNN, kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực” thì đó là trách nhiệm của NHTM với NHNN với nhau, không liên quan đến người dân. Trong trường hợp nhiều dự án nhà ở xã hội đã bị chậm tiến độ so với tính toán của chủ đầu tư; trong khi NH chỉ được phép giải ngân theo đúng tiến độ chủ đầu tư yêu cầu thanh toán thì đó là trách nhiệm giữa chủ đầu tư với NH. Cứ căn cứ vào hợp đồng cho vay ban đầu, người dân yêu cầu NHTM và các chủ đầu tư dự án thực hiện đúng.

Ông có kiến giải gì về cách kiểm tra và xử lý vấn đề?

- Gói ưu đãi này suốt từ đầu đến nay chưa ngày nào suôn sẻ. Lúc thiếu điều kiện, lúc vướng thủ tục… Đến nay cũng chưa biết có xử lý nghiêm được trường hợp trục lợi nào hay không, chỉ thấy rằng đây tiếp tục là một cú sốc về niềm tin nữa với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, ngay từ đầu, NHNN kiểm tra kiểm soát và giải thích rõ ràng thì đã không để xảy ra trường hợp như hiện nay. NHNN tung ra gói hỗ trợ nhưng lại để các NH muốn làm gì thì làm. Các NHTM phải có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời yêu cầu NH cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất… vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng… Nếu như thế sẽ không thể lập lờ đổ cho người vay, rồi trục lợi như hiện nay.

Để rà soát, mỗi một hợp đồng như thế đều phải mang lên NHNN để tái chiết khấu thì phải có số, đặc biệt là NH lúc nào mà chẳng có hai số liệu, một là số liệu giải ngân và hai là số liệu cam kết. Các hợp đồng đó đều phải có thống kê có báo cáo theo dõi không thể nào trôi nổi được. Còn nếu không ai quản lý thì đương nhiên cơ quan quản lý sai phải chịu rồi không thể để cho dân gánh.

Không thể đem con bỏ chợ

Vậy để giải quyết tình trạng hiện nay, NHNN cần làm gì?

- Tôi cho rằng, NHNN nên có điều chỉnh lập tức để tất cả hợp đồng tín dụng được hưởng trọn vẹn ưu đãi. Nếu không, nhiều khách hàng sẽ gặp phải bẫy lãi suất bởi kế hoạch tài chính thay đổi khi lãi vọt lên cao. Cứ hứa hẹn lãi suất thấp rồi khi gói này ngừng là lãi suất lại bật lên thì không ổn. Việc dừng giải ngân này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến những người đã ký hợp đồng vay vốn từ gói tín dụng này. Bên cạnh đó một điều rất rủi ro khi “vội vàng” giải ngân cho “kịp tiến độ” là việc kiểm soát sử dụng vốn của chủ đầu tư. Việc này nhằm giám sát việc chủ đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích và cũng để người mua nhà giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, nếu ồ ạt giải ngân cho kịp thời điểm gói này kết thúc thì không chỉ người mua nhà phải trả thêm lãi suất mà còn chịu rủi ro khi chủ đầu tư sử dụng tiền sai mục đích. Thậm chí, với quy định này, nếu NH không sòng phẳng sẽ có hiện tượng “om” vốn, cố tình giải ngân sau ngày 1/6 để bắt khách hàng trả lãi suất thương mại nhằm hưởng lợi. Như thế, quy định “hở sườn” sẽ khiến khách hàng càng thêm chịu thiệt.

Đại diện NHNN cho biết, tới đây sẽ có một chương trình cho vay nhà ở xã hội dài hơi dành riêng cho người có thu nhập thấp, dự kiến mức lãi suất chỉ 4,8%/năm. Theo ông cần thực hiện ra sao để không lặp lại như gói 30.000 tỷ đồng? Và ông có lời khuyên nào đối với người dân khi muốn tham gia vay các chương trình ưu đãi?

- Theo tôi, NH phải tuyên bố dừng ký hợp đồng ngay. Chứ như hiện nay, các ngân hàng vẫn đang ồ ạt ký hợp đồng ầm ầm thì chắc chắn sẽ lại xảy ra vay dở chừng, giải ngân giữa chừng lại thay đổi lãi suất, khách hàng lại rơi vào cảnh sống dở chết dở, gây phẫn nộ. Cái lắt léo giải ngân nhanh, giải ngân một lượt lại ăn hết suất của khách hàng nghiêm chỉnh, mua thật chính sách thật lại lĩnh đủ. Khác gì bán vé cho người ta vào cửa xong, những kẻ trục lợi tranh chiếm hết hàng A, hàng B, những người thật thà bị hàng X hàng Y, thậm chí bật ra ngoài đường vì hết chỗ. Sai lầm từ đầu nếu không dừng sẽ tiếp tục sai và lại đi giải quyết hậu quả.

Với khách hàng, tốt hơn hết là nên tìm mua những dự án nhà ở thương mại giá rẻ đã cất nóc, hoặc xong phần thô vì có thể sẽ vay được 80 - 90% giá trị nhà vào thời điểm ký hợp đồng mua nhà. Và khách hàng cũng sẽ được giải ngân vốn vay nhiều hơn. Phần còn lại khách hàng sẽ trả lãi suất ít áp lực hơn và sẽ nhanh hơn. Đặc biệt, khách hàng cần kiểm tra và xem kĩ hợp đồng thỏa thuận rõ ràng với bên cung cấp trước khi ký tham gia.

Xin cảm ơn ông!
Chiều ngày 11/3, NHNN đã có văn bản giải thích về việc ngừng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Trong đó khẳng định, việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của NH đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (ngày 1/6/2013). Đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm). Còn với những khoản vay giải ngân sau mốc thời gian này, lãi suất theo thỏa thuận giữa NHTM với khách hàng. Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, NHNN sẽ thực hiện kiểm tra ngay, yêu cầu NHTM báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp.