Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông mới được đưa vào sử dụng trong tháng 12/2012 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yên Thường hồ hởi: "Đây chính là con đường mà hội viên cựu chiến binh Nguyễn Văn Chung vừa ủng hộ xây dựng. Đường có chiều dài 150m, rộng 4m và dày 20cm chạy thẳng từ QL1A vào đầu làng Quy Mông.
Thương binh Nguyễn Xuân Chung (đứng giữa) và các đồng chí lãnh đạo xã Yên Thường kiểm tra con đường vừa xây dựng.
Ngoài công trình có giá trị này, mỗi năm, gia đình ông Chung còn ủng hộ hàng chục triệu đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa. Vợ chồng ông cũng là nhà tài trợ chính cho các giải thi đấu thể thao, giao lưu biểu diễn văn nghệ của thôn". Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi bị thương ở biên giới phía Bắc, năm 1979, ông Chung được phục viên. Do phải chăm lo cuộc sống cho 5 người em, vợ ông thường xuyên đau ốm, các con còn nhỏ khiến ông phải lăn lộn lo toan cuộc sống. Ông đã trải qua hàng chục nghề kiếm sống rồi trụ lại ở nghề đóng than tổ ong. Với phương châm "lấy công làm lãi", lại tích cực mày mò học hỏi nên từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, năm 2009, gia đình ông đã thành lập Công ty TNHH Ánh Hào, chuyên sản xuất than tổ ong và cung ứng than các loại cho thị trường các tỉnh phía Bắc, góp phần giải quyết việc làm gần 50 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Dù trong hoàn cảnh nào, ông luôn nêu cao vai trò cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong việc giúp đỡ hội viên khó khăn như tạo việc làm, cho vay vốn không lấy lãi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, làm từ thiện. Đặc biệt, từ khi xã Yên Thường phát động phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", mỗi năm gia đình ông ủng hộ trên dưới 50 triệu đồng cho việc xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tài trợ cho các hoạt động văn nghệ, thể thao ở cơ sở. Tháng 12/2012 vừa qua, khi thấy đoạn đường dài từ QL1A vào đầu làng Quy Mông bị xuống cấp, gây ra không ít vụ tai nạn giao thông, ông đã đề nghị với thôn cho gia đình được đóng góp 100 triệu đồng và huy động thêm 5 xe vận tải của gia đình vào việc vận chuyển nguyên vật liệu và trực tiếp tham gia việc giám sát thi công. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, con đường đã được đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng. Ông Chung chia sẻ, năm 2013, nếu được chính quyền chấp thuận, gia đình ông sẽ dành nguồn vốn lớn cải tạo khu đất trũng đầu làng Quy Mông để trồng hoa sen, vừa làm đẹp cảnh quan nông thôn, vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.