Góp phần tạo nên diện mạo đẹp và văn minh cho Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thanh Hải

Báo Kinh tế & Đô thị Online trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tại hội nghị tổng kết chương trình 04-CTr/TU “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2011-2015, tại Bảo tàng Hà Nội sáng nay 2/7.

Nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện 9 Chương trình công tác lớn, trong đó Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015” có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, với truyền thống văn hóa nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; với vị trí, vai trò của Thủ đô với cả nước. Đây là yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách, trước mắt, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của Thủ đô, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc
Kinhtedothi - Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thanh Hải
Trong quá trình Đảng, Nhà nước lãnh đạo thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân tộc ta, đất nước ta, Thủ đô của chúng ta là một thành viên, một bộ phận không thể tách rời. Chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, nhưng đồng thời chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới phức tạp, trong đó có vấn đề văn hóa, vấn đề xây dựng con người. Tác động và ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường; tư tưởng thực dụng, coi giá trị đồng tiền cao hơn giá trị nhân văn, đạo đức, đã và đang làm tha hóa một bộ phận người trong xã hội. Đối với hội nhập quốc tế cũng vậy, bên cạnh việc tiếp thu cái hay, cái tốt của nhân loại thì có không ít cái sai, cái xấu, cái độc hại cũng tràn vào, có lúc, có nơi,  lấn át cái tốt, cái tích cực.

Nhận thức được vị trí, vai trò tầm quan trọng của vấn đề Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; năm năm qua, Chương trình số 04 của Thành ủy đã được chỉ đạo thực hiện một cách tập trung, đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở. Chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về văn hóa và con người thực sự đã đi vào cuộc sống với những cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, tạo động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Ngoài báo cáo chung tổng kết toàn diện các mặt, các công việc  đã làm được, chúng ta rất hoan nghênh những báo cáo tham luận bổ sung, đó là những điển hình tổ chức thực hiện có kết quả tốt Chương trình 04. Tôi cũng hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của Ban Chỉ đạo Chương trình 04, là một số trong số những Ban Chỉ đạo có nhiều thành tích, nhiệt tình, tâm huyết. Ngoài việc biểu dương các tập thể vừa được khen thưởng trong thực hiện Chương trình 04, với tư cách cá nhân Bí thư Thành ủy, tôi biểu dương Ban chỉ đạo Chương trình 04.

Tôi cũng tán thành với đánh giá trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình về những kết quả đạt được. Trong Chương trình 04 có ba nội dung lớn là: (1) phát triển văn hóa - xã hội; (2) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; (3) xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bao trùm lên là phạm trù văn hóa, một phạm trù lớn và rất rộng, là phạm trù của loài người và của mỗi người. Văn hóa vừa có giá trị chung nhân loại, giá trị chung dân tộc, giá trị chung của từng cộng đồng dân cư…. Bên cạnh cái chung, văn hóa còn có cái riêng. Nhân loại có 6 tỷ người, nhưng dù có 10 tỷ người thì mỗi người đều có giá trị riêng văn hóa. Sự thể hiện về văn hóa của mỗi cá thể người trên hành tinh này không thể có cặp nào hoàn toàn giống nhau tuyệt đối. Bên cạnh những cái chung, như trình độ học vấn, tri thức, đạo đức, lối sống… thì từng người đều có những cái riêng. Cái riêng này do về rèn luyện, học tập, tu dưỡng, thực hành mới có được. Trên thế giới chỉ tôn vinh được rất ít danh nhân văn hóa, trong đó có Bác Hồ của chúng ta được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Có thể nói văn hóa là những gì còn đọng lại sau khi chúng ta đã học được và những điều chúng ta còn thấy thiếu cần phải học hỏi thêm.

Nói những điều trên cũng để nhấn mạnh thêm vị trí, vai trò của Chương trình 04 mà chúng ta xây dựng là rất quan trọng đối với Thủ đô, đối với mọi người và mỗi người.

Trên cơ sở Báo cáo tổng kết Chương trình 04, xin nhấn mạnh một số kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, văn hóa - xã hội được chú trọng phát triển, một số mặt chuyển biến tích cực. Trong khi chúng ta coi trọng xây dựng phát triển kinh tế thì đời sống văn hóa xã hội cũng được quan tâm chăm lo từ cơ sở. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là lĩnh vực văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được tăng cường; nhiều di sản của Hà Nội được công nhận, xếp hạng quốc gia, quốc tế, trong đó có 11 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt; 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lễ hội Gióng). Việc khai thác sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở được triển khai có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, được đông đảo khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao; nhiều nghệ sĩ, diễn viên đạt giải cao trong hoạt động nghệ thuật. Hà Nội có những đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, có uy tín, thời gian qua có những nỗ lực vượt bậc, như: Nhà hát múa rối Thăng Long đạt được kỷ lục là Nhà hát duy nhất ở Châu Á biểu diễn 365 ngày/năm; Nhà hát chèo Hà Nội với các đề án bảo tồn nghệ thuật Chèo truyền thống, đưa nghệ thuật truyền thống vào sân khấu học đường, đạt kết quả bước đầu....

 Lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước Hà Nội luôn đóng góp khoảng 30% tổng số HLV,VĐV và thành tích của đoàn VĐV Việt Nam tham dự ĐH thể thao thế giới và khu vực. Vừa qua, tại Seagames 28, đoàn thể thao thành tích cao của Hà Nội đã giành được 69/186 huy chương của đoàn thể thao Việt Nam (bằng 37%; trong đó có 25 HCV, 19 HCB, 25 HCĐ). Du lịch Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách quốc tế; năm 2014 được xếp thứ 8/10 điểm đến du lịch mới nổi của thế giới, năm 2015 xếp thứ 4 trong 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới,...

Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực khắc phục một bước tình trạng quá tải tại các bệnh viện, phát huy vai trò các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ứng dụng các kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Trong điều kiện khó khăn về sản xuất, kinh doanh, Thành phố vẫn tập trung ưu tiên cho việc cải tạo và xây mới nhiều bệnh viện; đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai thực hiện thành công một số kỹ thuật mới; có những bệnh viện, những khoa khám, chữa bệnh uy tín cao, như: Bệnh viện Xanh Pôn, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, BV Ung Bướu...  Hệ thống y tế cơ sở và mạng lưới y tế dự phòng tiếp tục được củng cố hoàn thiện cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Toàn Thành phố đã có 99,7% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác an sinh xã hội và giải quyết việc làm có nhiều cố gắng và đạt kết quả tích cực. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng. Chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân 1,38%, đến năm 2014 còn 1,9%, trong đó cả nước là 6%.

 Lĩnh vực khoa học - công nghệ được đẩy mạnh, chú trọng ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, tạo được sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với quản lý và sản xuất kinh doanh. Hà Nội là địa phương có nhiều mô hình sản xuất thâm canh các sản phẩm năng suất, chất lượng cao, giá trị thu nhập bình quân đầu người, bình quân trên đơn vị diện tích cao so với nhiều địa phương trên cả nước, như trồng hoa ly, nhãn trái vụ, phật thủ, bưởi diễn, cam canh,... có nơi đạt được hàng tỉ đồng trên một héc-ta canh tác. Thành phố tích cực hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm, làng nghề truyền thống.

Thứ hai, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được coi trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô được quan tâm đẩy mạnh, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 300 tiến sĩ, 4.100 thạc sĩ/120.000 cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô. Thành phố có cơ chế đào tạo, thu hút, sử dụng đội ngũ tri thức, nhân lực có tay nghề cao trong trường Đại học, viện nghiên cứu lớn đóng trên địa bàn (chiếm 65% tổng số nhà khoa học trong cả nước). Nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã quan tâm tuyển chọn, đào tạo được 750 công chức nguồn làm việc tại xã, phường và 500 công chức nguồn làm công tác Đảng, đoàn thể của Thành phố.

Thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), triển khai xây dựng mô hình trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô. Chất lượng giáo dục - đào tạo phổ thông được nâng cao. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tiếp tục được hoàn thiện; cuối năm 2014, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã được thành lập. Công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề chất lượng cao được tập trung chỉ đạo thực hiện theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tế và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ ba, Việc xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã trở thành phong trào rộng khắp, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành Thành phố. Bên cạnh những tiêu chí chung của Thành phố, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng những tiêu chí cụ thể để thực hiện phong trào. Việc triển khai xây dựng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng và đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô... đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào, điều chỉnh hành vi của người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy. Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở tiếp tục được triển khai đạt kết quả tốt, như:  phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”,... góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển các mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng. Chúng ta luôn nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Khi nói đến một Thủ đô, một đất nước giàu đẹp, văn minh, không phải chỉ cần có cảnh quan, môi trường, diện mạo đô thị,  thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp mà còn phải có những con người đẹp, đẹp về văn hóa, tâm hồn, trí tuệ, đẹp về phong cách, lối sống, đẹp trong ứng xử giữa người với người. Gần đây Ban Tuyên giáo Thành ủy đã hướng dẫn nghi lễ chào cờ mọi người phải hát quốc ca; cũng như việc thực hiện không gắn hoa tươi, hoa lụa, không bắn pháo giấy trong các sự kiện là những việc đáng được hoan nghênh. Hà Nội là nơi đi đầu trong thực hiện việc cưới, việc tang văn minh tiến bộ với những chuyển biến rất rõ nét. Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU năm 2012 của Ban Thường vụ Thành ủy, đến nay, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo tinh thần “Vui tươi - Lành mạnh - Tiết kiệm”. Nhiều mô hình cưới mới, như tổ chức cưới tiệc trà, báo hỷ sau cưới; đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm ; mô hình mỗi đám cưới ủng hộ quỹ khuyến học của địa phương giá trị bằng một mâm cỗ;...  đang được nhiều gia đình tự giác hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc và dần duy trì thành nếp. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan đã cơ bản được khắc phục. Tỷ lệ số ca hỏa táng ngày càng tăng, nhất là huyện Đông Anh vừa báo cáo.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình số 04, cùng với sự nhiệt tình, tâm huyết của các đồng chí trong quá trình thực hiện, với sự đồng thuận của nhân dân, của dư luận rộng rãi trong xã hội, trên từng lĩnh vực, so với yêu cầu và mong muốn thì có mặt chưa đạt, song với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định Chương trình số 04 của Thành phố đã cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Đến nay có 14/17 chỉ tiêu và 42/43 đề án, dự án của Chương trình đã cơ bản hoàn thành. Đó là những con số rất đáng khích lệ, nhất là trong điều kiện khó khăn về kinh tế của đất nước và Thành phố những năm qua. Điều đặc biệt ấn tượng là trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2014 thì có 8 sự kiện thuộc lĩnh vực văn hóa.

Thường trực Thành ủy hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy những năm qua. Đồng thời yêu cầu các đồng chí nhìn nhận đầy đủ, khách quan và quan tâm khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót như đã nêu trong báo cáo và các tham luận được trình bày tại Hội nghị, như: Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội còn hạn chế; việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều thiết chế văn hóa sau khi được đầu tư, nâng cấp nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao, có nơi sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí. Chúng ta đã làm tốt việc quảng cáo tấm lớn ngoài trời, xóa quảng cáo rao vặt trên tường và đang tích cực dọn “rác trên trời” (các đường dây chết); nhưng còn quảng cáo biển hiệu rất lộn xộn, không đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn, cần sớm nghiên cứu làm thí điểm một số tuyến phố. Việc treo cờ đảm bảo trang trọng, đẹp đã có nhiều phường, quận huyện thực hiện tốt.... Việc chủ động tham mưu xử lý kịp thời các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, giữa bảo tồn và nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong khu vực di tích còn bị động, lúng túng. Công tác quản lý nhà nước về y tế còn hạn chế, để xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội. Chất lượng giáo dục giữa khu vực thành thị và nông thôn còn có sự chênh lệch. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương còn chạy theo số lượng, chưa đảm bảo chất lượng tay nghề và kỹ năng ứng xử  để cung ứng ra thị trường lao động. Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa động viên và thu hút được đông đảo các nhà khoa học tham gia ...

Nhiệm vụ đề ra của Chương trình số 04 không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách của nhiệm kỳ 2010-2015 mà còn là vấn đề hết sức cơ bản, lâu dài của Đảng bộ Thành phố trong những năm tiếp theo. Trong đó, yếu tố con người vừa là chủ thể trong thực hiện, vừa là đối tượng cần phải quan tâm bồi dưỡng, xây dựng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, về văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh. Thành bại của Chương trình phụ thuộc vào yếu tố con người, vì vậy đòi hỏi mỗi công dân Thủ đô phải có trách nhiệm, làm sao xứng đáng là người con của Thủ đô - trái tim của cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị xã hội Thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, Tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp trong duy trì thực hiện các nội dung của Chương trình số 04, làm cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng các chương trình về văn hóa - xã hội trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động của Thành ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI). Gắn nhiệm vụ thực hiện các chương trình với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính. Đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Chuẩn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong hướng dẫn và giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất; thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ văn hóa, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành Thành phố.

Hai là, Gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, con người; củng cố, xây dựng và hoàn thiện chính sách; tăng cường đầu tư ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa; bố trí nguồn lực bảo đảm để các đề án, dự án trong Chương trình số 04 đã phê duyệt được đưa vào triển khai thực hiện. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của Chương trình, như: tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; sửa chữa, nâng cấp, xây mới các bệnh viện, các công trình văn hóa, trong đó có Nhà hát Thăng Long,... Khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình văn hóa, sản phẩm văn hóa, hạ tầng xã hội. Thành phố cần chủ động xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, các thiết chế văn hóa, thể thao...

 Ba là, Hệ thống thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan thông tấn báo chí của Thành phố cần chủ động làm tốt hơn nữa công tác thông tin; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, bám sát hơn nữa thực tiễn đời sống xã hội, kịp thời phản ánh chính xác các vụ việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô; đặc biệt là quan tâm tuyên truyền sâu rộng, sinh động hơn nữa về lĩnh vực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hơn nữa trong thực hiện các nội dung của Chương trình. Cần quan tâm làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan báo chí của Thành phố; tranh thủ sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan báo chí Trung ương; chủ động cung cấp thông tin, tăng cường trao đổi, đối thoại, lắng nghe chân thành các ý kiến góp ý, phê bình, xây dựng của báo chí, dư luận. Cần khẩn trương đưa bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ra lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để sớm đưa vào thực hiện, vừa làm, vừa tiếp tục hoàn thiện.

Với những kết quả, thành tích đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định, Chương trình số 04 của Thành ủy đã hoàn thành cơ bản những chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra; việc xây dựng và việc thực hiện Chương trình số 04 trong giai đoạn 2010-2015 là chủ trương hết sức đúng đắn, thiết thực của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Chương trình không chỉ có ý nghĩa, tác dụng trong hiện tại mà còn ảnh hưởng mang tầm chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. 

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương; cảm ơn sự quan tâm, đồng hành, giám sát của các cơ quan báo chí trong những năm qua cùng với lãnh đạo Thành phố đã tạo điều kiện giúp đỡ để sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội của Thủ đô ngày càng thu được những kết quả tiến bộ, xứng đáng với vai trò là Thủ đô của đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần