Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp tấm lòng sẻ chia cùng cả nước

Nhóm PV báo KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa giai đoạn dịch bệnh Covid- 19 hiểm nguy, trái tim người Hà Nội chưa bao giờ nguôi day dứt khi nhìn ra nhiều tỉnh bạn - những nơi dịch bệnh đang phức tạp khôn cùng. Với quan điểm sống chân tình “cho đi là còn mãi”, người dân Thủ đô đã, đang và sẽ có những nghĩa cử tuy giản đơn nhưng ý nghĩa.

Tại Hải Dương vào đầu tháng 2/2021, khi tỉnh này có hơn 4.000 hecta rau vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch thì những người nông dân Hải Dương khắc khổ đứng giữa cánh đồng rau ôm mặt khóc vì tuyệt vọng bởi sau chuỗi ngày dầu mưa dãi nắng, đến mùa thu hoạch thì đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được. Không để bà con nông dân Hải Dương lâm vào cảnh khốn cùng, nhiều tổ chức, cá nhân tại Hà Nội đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay "giải cứu" nông sản giúp bà con. Nhiều điểm bán nông sản Hải Dương được dựng lên ở nhiều ngõ ngách, xã, phường Hà Nội.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương trao quà cho lao động tự do tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Oanh
Hết mùa rau lại sang mùa ổi. Những trái ổi to, tròn, ngọt - niềm tự hào của vùng đất Hải Dương, trong mùa dịch bệnh, nó lại mang theo bao tâm tư của người dân nơi đây. Hàng trăm hecta ổi đến mùa thu hoạch không thể mang bán vì dịch bệnh ngăn cách. Chiến dịch giải cứu ổi Hải Dương lại được người dân Hà Nội kết nối và đẩy mạnh. Ổi được mang đến khắp các chợ đầu mối, các tòa chung cư và nơi nào cũng thấy người dân nhiệt tình mua ủng hộ. Ngoài cá nhân, sự đóng góp của các tổ chức thật sự đã mang giá trị kết nối tinh thần to lớn giữa Hà Nội và bà con nông dân Hải Dương. Trong số đó, Thành đoàn là một trong những tổ chức có nhiều hoạt động thiết thực và mạnh mẽ trong hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân Hải Dương.

Khi Bắc Giang trở thành “điểm nóng” của dịch bệnh Covid- 19 bởi nhiều ca mắc mới liên tiếp được phát hiện ở các địa bàn và khu công nghiệp, 2 bệnh viện dã chiến được thành lập tại nơi đây. Lực lượng y tế địa phương quá tải, dịch bệnh lây lan mạnh nên nhiều bệnh viện tại Hà Nội đã tổ chức các đoàn tình nguyện lao vào tâm dịch để cùng chung tay cứu giúp người dân và công nhân Bắc Giang.

Là một trong số gần 100 bác sĩ Bệnh viện 198 - Bộ Công an tình nguyện đợt 2 về Bắc Giang, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Điệp Linh kể lại: Ở giai đoạn đó, dù con cái còn nhỏ và nhiều việc gia đình phải bộn bề lo toan nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Bắc Giang, chị và các đồng nghiệp đã gác tất cả để lên đường.

Đầu tháng 7/2021, khi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh phía Nam “nóng rực” vì dịch bệnh bùng phát, rất nhiều đoàn cán bộ, y bác sĩ, tình nguyện viên của các bệnh viện, cơ sở đào tạo y dược ở Hà Nội đã lên đường viện trợ. Trong đó có nhiều sinh viên là người con của Hà Nội. Và sáng 5/8/2021, 300 chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Việt Đức Hà Nội đã lên đường vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh lập Trung tâm Hồi sức cấp cứu người bệnh Covid-19 tại xã Bình Tân, huyện Bình Chánh, để tiếp sức cho đồng bào miền Nam chống dịch; trong số đó có rất nhiều người trẻ, đang nuôi con nhỏ và có gia đình cả hai vợ chồng cùng xung phong lên đường.

Tinh thần sẻ chia của những người con Hà Nội trong giai đoạn dịch bệnh Covid là sự vô tư, không toan tính, thậm chí là hy sinh đến quên bản thân mình. Không chỉ là hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân Hải Dương, Bắc Giang; không chỉ lao vào điểm nóng, vào tâm dịch mà nét đẹp sẻ chia còn được nhen lên cho các em nhỏ, khi có những học sinh mới ở bậc tiểu học đã biết mang hết số tiền tiết kiệm của mình để gửi tặng Nhân dân vùng dịch; là những đợt kêu gọi, ủng hộ nghĩa tình của các cơ quan, đoàn thể, của các tổ dân phố, khu dân cư, mỗi người góp chút nhỏ bé để giúp đỡ Nhân dân vùng dịch. Tình yêu thương đó được vun đắp qua các thế hệ, để sự sẻ chia, tấm lòng nhân ái mãi trở thành một nét đẹp gần gũi mà tự hào của người dân Thủ đô.