Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Góp ý hoàn thiện các quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng

Nguyễn Đăng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024). Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tại dự thảo đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024). Ảnh minh họa.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024). Ảnh minh họa.

Cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Sau 15 năm thi hành, đây là một trong những đạo luật quan trọng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với những thay đổi, bổ sung mới trong hệ thống pháp luật, tính đến thời điểm này một số quy định trong Luật Thuế GTGT hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế GTGT nhằm hoàn thiện quy định về lĩnh vực này, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế;...

Dự thảo Luật Thuế GTGT được thiết kế gồm 04 chương, 16 điều, quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng. Dự thảo Luật về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách.

Góp ý vào quy định tại dự thảo, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho biết, dự luật đã rà soát, thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, nhằm đảm bảo tính liên hoàn của việc khấu trừ, nộp thuế GTGT; xử lý những vướng mắc trong quá trình thực thi.

Tuy vẫn còn 26 nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế, nhưng đã chuyển 07 hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong các nhóm không chịu thuế sang nhóm chịu thuế GTGT, bao gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

Bổ sung quy định chế tài đối với hành vi vi phạm, bị cấm

Liên quan đến quy định chế tài đối với hành vi vi phạm, hành vi bị cấm, hiện dự thảo chưa quy định về các hành vi bị cấm và chế tài đối với hành vi vi phạm Luật Thuế GTGT. Để tăng hiệu lực thực thi, các ý kiến đề nghị nên bổ sung các nội dung này, ngoài các nội dung quy định chung xử lý vi phạm trong Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định 126/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành chung cho các loại thuế, sắc thuế bởi Luật Thuế GTGT có những đặc thù riêng. Chẳng hạn: gian lận về hóa đơn, chứng từ; vi phạm về thời gian nộp thuế khấu trừ thuế, hoàn thuế; lừa đảo chiếm đoạt thuế;…

Góp ý vào dự thảo, Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – ngân hàng, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng kiến nghị, bổ sung cách giải nghĩa về sơ chế thông thường đang được quy định ổn định trong văn bản hướng dẫn vào khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.

Đồng thời, trong việc xác định những sản phẩm mới qua sơ chế thông thường cần quy định bao gồm cả những sản phẩm bỏ xương, băm, lột da, nghiền, cán mỏng, bảo quản theo phương thức hút kín khí vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT. Ngoài ra, tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng cũng kiến nghị, bổ sung việc vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu hỏa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; thay đổi mức doanh thu không phải chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh.

Về chuyển nhượng dự án: Tại Điều 5, Khoản 9, điểm d của dự thảo đã xác định chuyển nhượng vốn không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư. Tức là chuyển nhượng dự án đầu tư phải chịu thuế GTGT ở mức 10%. Tuy nhiên, Giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc đề xuất: Bổ sung chuyển nhượng dự án là đối tượng không chiụ thuế GTGT.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Ngọc cho rằng, việc quy định “Chuyển nhượng vốn quy định tại khoản này không bao gồm chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản” là không cần thiết. Bởi vì, theo Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản thì chuyển nhượng dự án là giao dịch khác biệt so với chuyển nhượng vốn. Điều 45 khoản 1 và Điều 46 khoản 1 Luật Đầu tư 2020 đều xác định đối tượng chuyển nhượng là dự án/phần dự án.

Đồng thời, việc chuyển nhượng dự án phải tuân theo trình tự thủ tục riêng, nhất là điều kiện của bên nhận chuyển nhượng dự án để đảm bảo đúng các điều kiện đã được chấp thuận trong chủ trương, quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, xét về bản chất cũng như mục đích giao dịch, việc chuyển nhượng vốn, cũng như các giao dịch hợp nhất/sáp nhập, hoặc tách toàn bộ tài sản dự án sang một pháp nhân mới và chuyển nhượng dự án đều là các phương thức để thực hiện các giao dịch mua bán doanh nghiệp (M&A).

Vì vậy, nên cân nhắc bổ sung chuyển nhượng dự án vào đối tượng không chiụ thuế GTGT để phù hợp với logic chung của việc xác định các giao dịch vốn đều không thuộc diện chịu thuế GTGT.