70 năm giải phóng Thủ đô

Grab bị phát hiện chạy chui ở nhiều địa phương: Loay hoay tìm hướng xử lý

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài 3 tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh vừa bị Bộ GTVT tuýt còi, Grab còn bị phát hiện hoạt động “chui” ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Phần lớn các địa phương đều loay hoay không tìm ra phương án xử lý.

Taxi Grab ngoại tỉnh đổ bộ về Hà Nội
Bộ GTVT vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, đề nghị xử nghiêm tình trạng sử dụng ứng dụng của Grab hoạt động trái phép trên địa bàn TP Hà Nội và các địa phương này. Động thái này diễn ra sau khi Bộ GTVT nhận văn bản của Hiệp hội Taxi Hà Nội phản ánh các hãng taxi được cấp phù hiệu ngoại tỉnh hoạt động kinh doanh tại nội thành Hà Nội.
Trong văn bản gửi đi, Bộ GTVT nhấn mạnh, Grab chỉ được thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều hãng taxi của ba tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc sử dụng ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối hành khách theo hợp đồng và xe taxi của Công ty TNHH Grab trên địa bàn Hà Nội cũng như tại các địa phương này.
 Cần sớm đưa ra định danh cho Grab để tránh biến tướng, hoạt động.
Để chấn chỉnh, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định hiện hành các vi phạm (nếu có) đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm đối với hoạt động vận tải có ứng dụng khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty TNHH Grab nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật, không được triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ kết nối vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng trên địa bàn các địa phương trên; không làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT ở các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc (bao gồm cả xe taxi).
Trên thực tế, trước khi bị phát hiện hoạt động “chui” ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc thì Grab đã từng bị “tố” hoạt động “chui” tại rất nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành lớn hoặc vùng cao như Biên Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương, TP Huế, Lâm Đồng... Hiện tượng cố tình hoạt động “chui” ồ ạt ở nhiều địa phương mà Grab đang thực hiện chứng tỏ thái độ coi thường pháp luật. Điển hình nhất là tại TP Đà Nẵng, địa phương thể hiện thái độ rất quyết liệt khi thẳng thừng từ chối triển khai dịch vụ Grabcar nhưng trước tình trạng chạy “chui” của Grab, địa phương này vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra phương án ngăn chặn.
Đích thân ông Bùi Thanh Thuận – Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng phải thừa nhận, việc kiểm soát hoạt động của Grab rất khó khăn bởi xe Grabcar không có dấu hiệu nhận biết và thường xuyên di chuyển giữa các địa phương giáp ranh Đà Nẵng gây khó khăn cho các lực lượng trong việc xác định đối tượng để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Sớm định danh để ngăn chặn biến tướng
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, điều quan trọng nhất để tháo gỡ những bất cập liên quan đến Grab trong thời gian qua là phải sớm đưa ra định danh cho loại hình taxi công nghệ này. Chính vì chưa đưa ra định danh cho Grab nên mới nảy sinh nhiều biến tướng xoay quanh Grab, đồng thời gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, giảm sát và xử phạt. “Mô hình chia sẻ xe đang bị biến tướng nghiêm trọng thành hình thức "taxi không mào". Số lượng phương tiện cá nhân liên tục tăng và đổ xô vào TP” – ông Thanh nói.
Đồng quan điểm, GSTS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên Đại học GTVT cho rằng, mục tiêu của chia sẻ xe là nhằm hạn chế phương tiện kinh doanh vận tải trên đường, từ đó giảm sức ép cho giao thông.
Tuy nhiên, sau một thời gian Grab và trước đó có Uber vào Việt Nam có thể khẳng định mục tiêu này đã không thể làm được, nếu không muốn nói là phản tác dụng khi trở thành một trong những nguyên nhân mới gây tắc đường. “Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng taxi công nghệ chỉ là sự thay thế cho taxi truyền thống. Trong khi đó, lúc thiết kế mạng lưới giao thông công cộng chỉ tính đến quãng đường đi bộ chứ không phải ra khỏi nhà là có xe. Nên Grab không bao giờ làm được việc giảm ùn tắc giao thông” – GS.TS Từ Sỹ Sùa nói.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia chỉ ra là hiện một số tuyến đường ở các TP lớn nước ta quy định cấm taxi truyền thống để giảm ùn tắc giao thông. Thế nhưng, chính điều này là điều kiện cho Grab hoạt động do đó mục tiêu giảm ùn tắc cũng không đạt được. Không những thế, lợi dụng điều này, taxi ở các tỉnh lẻ lân cận cũng đầu quân về Grab và tràn về các TP lớn để hoạt động “chui” càng khiến cho giao thông trở nên lộn xộn, hỗn loạn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra định danh cho Grab để chấm dứt tình trạng biến tướng, hoạt động “chui” của loại hình taxi này, đồng thời giúp công tác quản lý, giám sát và xử phạt khi sai phạm thuận lợi hơn.

"Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã nêu rất rõ Grab là loại hình kinh doanh vận tải sẽ được quản lý như taxi. Quan điểm về phía Bộ Công an cũng như vậy. Bộ Công an kiến nghị quản lý chặt Grab bởi ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh. Đề nghị các công ty kết nối phải truyền chia sẻ tín hiệu đến cơ quan chức năng. Đây là một nét mới bởi Grab không đặt server tại Việt Nam." - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng