Xuất khẩu, thương mại, du lịch tăng trưởng cao
Chiều 27/12, Cục Thống kê TP Hà Nội họp báo công bố về tình hình kinh tế - xã hội Hà Nội 2019. Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho hay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực gặp khó khăn, ở trong nước tình hình thời tiết và bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, kết quả quan trọng trên đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND TP; sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Quy mô GRDP năm 2019 theo giá hiện hành ước tính đạt 971,7 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 120,1 triệu đồng, tăng 7% so với năm 2018 (tăng 7,9 triệu đồng). Cơ cấu GRDP năm 2019 chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,99% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,69%; khu vực dịch vụ chiếm 64,02%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 11,3% (Cơ cấu tương ứng năm 2018 là: 2,14%; 22,26%; 63,94% và 11,66%).
Trong mức tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,09% so với năm trước (năm 2018 tăng 8,55%), đóng góp 2,5% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của TP. Ngành xây dựng năm 2019 ước tính tăng 12,01% so với năm trước (năm 2018 tăng 9,66%), đóng góp 1,09 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm.
“Mặc dù những tháng đầu năm 2019 ngành công nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước, nhưng đã phục hồi mạnh trong quý III và quý IV năm 2019. Ước tính cả năm 2019 giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 8,98% (cao hơn nhiều mức tăng 7,92% của năm 2018), đóng góp 1,41% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm”, ông Hùng cho biết.
Khu vực dịch vụ tăng 7,53% so với năm trước (năm 2018 tăng 7,11%), đóng góp 5,46 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm.
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2019 ước tính giảm 20% so với năm 2018 dẫn đến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 giảm 0,54% so với năm trước (năm 2018 tăng 3,05%), làm giảm 0,01% mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn TP.
Tuy vậy, điểm nổi bật ở khu vực này là chăn nuôi gia cầm và ngành thủy sản tiếp tục phát triển khá; sản lượng thịt gia cầm năm 2019 tăng 21,6% so với năm 2018; sản lượng thủy sản tăng 6,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV ước tính đạt 154,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung cả năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2018 (năm 2018 tăng 8,9%).
Hoạt động du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng; công tác quản lý tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Trong quý IV/2019, khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước tính tăng 10,2% so với năm 2018. Tính chung cả năm 2019, khách quốc tế đến Hà Nội ước tính tăng 7% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 13,6%).
Xuất khẩu hàng hóa tăng cao, nhất là khu vực kinh tế trong nước; thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng. Tính chung cả năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2018 (năm 2018 tăng 18,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 9,9 tỷ USD, chiếm 59,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 32,9% so với năm 2018; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,8 tỷ USD, chiếm 40,7% và tăng 5,6%. Điểm sáng về xuất khẩu năm nay là đã mở rộng được thị trường xuất khẩu, mặc dù chưa nhiều nhưng Hà Nội đã có những sản phẩm xuất sang thị trường châu Phi.
Hoạt động tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm trên địa bàn phát triển ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị tăng thêm hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm năm 2019 ước tăng 8,01% so với năm 2018, đóng góp 0,84 % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm.
FDI đạt trên 8,4 tỷ USD, giải ngân 74%
Một điểm nổi bật của Hà Nội trong năm qua là thu hút vốn đầu tư phát triển tăng cao, thu hút đầu tư nước ngoài và thành lập mới doanh nghiệp đạt khá. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP năm 2019 ước tính thực hiện 385,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2018, là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây, trong đó: Vốn nhà nước 144,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% (vốn nhà nước Trung ương tăng 11,8% do vốn ODA năm 2019 thực hiện 12,9 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần cùng kỳ năm 2018; vốn nhà nước địa phương quản lý tăng 18,5%); vốn ngoài nhà nước đạt 196,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 43,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19%.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/12/2019, tổng vốn đăng ký của các dự án thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 2.128 triệu USD, trong đó đăng ký mới 871 dự án với số vốn đạt 1.390 triệu USD; 180 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 738 triệu USD. Trong năm 2019 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 6.336 triệu USD .
Nếu như năm 2018, Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, thì năm 2019 thu hút đầu tư, cấp mới cũng tăng đáng kể cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư.
“Đến ngày 22/12, Hà Nội vẫn đang dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 8,45 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 6,5 tỷ USD, là tỷ lệ giải ngân 74% cao nhất trong các năm từ trước đến nay, tổng vốn luỹ kế đến nay đạt khoảng 42,5 tỷ USD với 5.955 dự án còn hiệu lực. Vốn thực hiện luỹ kế giải ngân 26,5 tỷ USD, (khoảng 62,3%), dẫn đầu toàn quốc (khoảng 57%)”- đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội thông tin tại buổi họp báo.
Trong năm 2019, có 27,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 510,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 30% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; số vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 18,3 tỷ đồng, tăng 17%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài kế thừa giai đoạn 2016 đến nay, 3 năm liên tục Hà Nội tổ chức Hội nghị đầu tư. Bên cạnh đó còn do tác động của việc hội nhập, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư.
Trong điều hành, TP có nhiều biện pháp cụ thể, quyết liệt, tổ chức các hội nghị trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản; hội nghị xúc tiến đầu tư tại một số thị trường truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu)… Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ, cung cấp thông tin; giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh và hướng dẫn thủ tục đầu tư, thúc đẩy mở rộng đầu tư kinh doanh, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục phát huy đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính. TP xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp xu hướng phát triển chung, vào lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển kết cấu hạ tầng, những ngành có giá trị cao có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được lợi thế của Thủ đô.
CPI bình quân tăng 3,77%; Giá thực phẩm tăng CPI bình quân năm 2019 tăng 3,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước (CPI bình quân năm 2018 tăng 4,2%). CPI bình quân năm 2019 tăng do một số nguyên nhân như: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,83% so với năm 2018 (bình quân năm 2018 tăng 4,13%) chủ yếu là do sự tăng giá của nhóm hàng thực phẩm (tăng 5,9%), trong đó: Thịt gia súc tươi sống tăng 10,01%; gia cầm tươi sống tăng 5,85%; thịt chế biến tăng 7,02%; thủy hải sản tươi sống 4,95%; rau xanh tăng 10,19%. Dịch tả lợn châu Phi đã làm chết khoảng 543,7 nghìn con lợn, trong khi đó nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn rất cao nên việc tái đàn còn hạn chế, điều này khiến nguồn cung thịt lợn ngày càng khan hiếm, thêm vào đó Tết Nguyên đán năm nay đến sớm nên giá tăng cao từ quý IV năm nay. Giá thịt lợn tăng cao khiến người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm khác thay thế nên giá các loại thịt bò, gà, vịt, tôm, cá cũng tăng theo… |