Theo báo cáo, trong 3 tháng đầu năm 2018, chất lượng không khí (CLKK) ở TP Hồ Chí Minh tốt hơn Hà Nội dù so cùng kỳ 3 năm gần đây, chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh có xu hướng xấu dần. Cụ thể trong giai đoạn này, Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 trung bình 63,2 µg/m3, gần gấp đôi TP Hồ Chí Minh. GreenID phân tích và chỉ ra rằng, người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 TP được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).
|
Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Phản hồi về thông tin trên, ông Lê Tuấn Định – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, những số liệu mà GreenID đưa ra chỉ có tính chất cục bộ, tham khảo vì chỉ mang tính đại diện cho duy nhất trạm quan trắc đặt ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, nằm trên trục giao thông chính và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn. "Trong năm 2017, Sở TN&MT Hà Nội đã chủ trì tổ chức một số hội thảo chuyên đề về đánh giá CLKK của Hà Nội. Một số chuyên gia đầu ngành CLKK của Việt Nam và quốc tế đều khẳng định, không thể lấy số liệu tại 1 điểm đo để làm đại diện đánh giá toàn bộ CLKK của cả TP Hà Nội” – ông Định nói.
Theo ông Lê Tuấn Định, số liệu thu được tại 10 trạm quan trắc tự động hiện tại của TP Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 đo được tại các trạm dân cư đều ở mức dưới ngưỡng cho phép theo quy chuẩn của Việt Nam (dưới 50 µg/m3). Tuy nhiên, đối với trạm giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), nồng độ đo được vượt nhẹ ngưỡng cho phép (54,24 µg/m3 và 52,93 µg/m3). Đối với thông số bụi PM10, ngưỡng cho phép là 150 µg/m3 .
Được biết, nhằm cải thiện CLKK trên địa bàn, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngoài việc thực hiện một loạt các đề án như chống ồn, chống bụi, quản lý phương tiện giao thông, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải, Hà Nội còn triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Đến nay, toàn TP đã trồng được hơn 800.000 cây xanh, nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức EURO 4, EURO 5 đến năm 2020. Đồng thời, đưa vào sử dụng các nhiên liệu sạch để hạn chế nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải.
|
Nồng độ thông số bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình trong 3 tháng đầu năm (Từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/3/2018. Nguồn: Sở TN&MT Hà Nội) |
Việc lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến) CLKK, kể từ đầu năm 2017, chỉ là một trong những kế hoạch toàn diện và đồng bộ của TP Hà Nội trong những năm tới đây nhằm quản lý và cải thiện CLKK trên địa bàn Thủ đô. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đầu tư để có một mạng lưới trạm quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại ngang tầm khu vực. Khi đó, các cơ quan chức năng của TP sẽ có một hệ thống dữ liệu đầy đủ, toàn diện và liên tục, là cơ sở khoa học đánh giá chính xác thực trạng chất lượng môi trường không khí của Hà Nội. Đây cũng sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý môi trường hoạch định và đề xuất các chính sách cải thiện chất lượng môi trường sống của Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.