Để góp phần hạn chế tình trạng xả túi nilon bừa bãi sau khi người dân thực hiện phong tục thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời, trên lan can cầu Long Biên một số đơn vị đã cắm các pano tuyên truyên về việc Thả cá đừng thả túi nilon.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại cầu Long Biên, sáng nay (25/1) tức ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch, rất đông những bạn sinh viên trẻ đứng trên cầu Long Biên để xin lại túi nilon, tro, đồ cúng… trong ngày Tết ông Công, ông Táo.
Anh Nguyễn Phạm Nguyên Hoàng (trưởng nhóm điều hành chiến dịch đường táo quân, thuộc nhóm cá chép) cho biết: “Năm nay số lượng thành viên tham gia ít hơn chỉ bằng 1/3 mọi năm vì do tình hình dịch bệnh căng thẳng, khi các bạn làm nhiệm vụ trên cầu nhóm cũng lựa chọn các bạn đã tiêm đủ hai mũi vaccine trở lên, đeo khẩu trang trong suốt quá trình thả cá cho người dân”.
“Năm nay số lượng các bạn tình nguyện viên ít nên số lượng công việc cũng nhiều hơn, thay vì mỗi bạn làm 1 công việc cụ thể thì năm nay các bạn sẽ luân phiên làm các việc khác nhau trong mỗi ca trực để đảm bảo khối lượng công việc và sức khỏe cho các thành viên trong nhóm. Sau 9 năm thực hiện dự án, nhóm nhận thấy người dân đã có ý thức hơn trong việc thả cá, không thả túi nilon và nhóm nhận ra là mình đang đi đúng hướng vừa giữ được bản sắc vừa bảo vệ môi trường”. Anh Hoàng cho biết thêm.
Sau khi nhận những túi cá của người dân các bạn sẽ bỏ vào xô và thu lại túi nilon.
Cá chép sẽ được các bạn trẻ dùng xô buộc dây thừng để dẫn cá từ trên cầu xuống sông Hồng.
Nhiều tấm pano tuyên truyền về hoạt động bảo vệ môi trường "thả cá đừng thả núi nilon".
Một điểm thả cá tại Hồ Tây với thông điệp hưởng ứng chiến dịch "thả cá không thả túi nilon".
Hành động văn minh, gọn gàng, sạch sẽ, cũng góp phần rất lớn vào ý nghĩa tâm linh cũng như lời cầu nguyện.
Tết ông Công ông Táo là một nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt, truyền thống ấy còn đẹp hơn văn minh hơn khi đảm bảo được vệ sinh môi trường.