Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia kinh tế nhận định, môi trường đầu tư của Việt Nam năm 2022 chứng kiến hàng loạt tác động.

Đó là: Chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), gói kích thích kinh tế quy mô tới 350.000 tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng trở lại, sự phục hồi của DN sau đại dịch… Vì vậy, đầu tư vào đâu luôn luôn được đặt ra và nhiều chuyên gia đề cập.

Khách hàng giao dịch tại HD Bank. Ảnh: Việt Linh  
Khách hàng giao dịch tại HD Bank. Ảnh: Việt Linh  

Khó dự báo

Trước hết là lãi suất tiết kiệm, vừa là kênh đầu tư, vừa là thước đo để biết được đầu tư vào các kênh khác có đạt lãi suất thực dương hay thực âm? Từ năm 2016 đến nay, lãi suất gửi tiết kiệm nhìn chung đạt thực dương so với CPI chung, giá USD; từ đầu năm đến nay tiếp tục đạt thực dương so với CPI chung, USD, VN-Index, tiền ảo.

Trong thời gian tới, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng lên và tính chung cả năm 2022 cũng sẽ đạt thực dương (khoảng trên dưới 1%). Mức lãi suất này chỉ tạm làm yên lòng và được coi là phù hợp với những người có ít tiền, không dám đầu tư,…; không hấp dẫn đối với các nhà có vốn đầu tư.

Tiếp đến là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa là kênh đầu tư vào thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, vừa được dùng làm thước đo để biết được đầu tư vào các kênh khác có đạt lãi suất thực dương hay thực âm.

CPI cho đến tháng 5 (của Việt Nam tuy còn thấp: Tháng 5/2022 so với cùng kỳ tăng 2,86%, so với cuối năm trước tăng 2,48%, bình quân 5 tháng cùng kỳ tăng 2,25%), khi so với CPI của thế giới, khi so với mục tiêu cả năm,… Nhưng đó là CPI chung, còn giá của một số hàng hóa dịch vụ tiêu dùng cụ thể (như xăng dầu, ăn uống ngoài gia đình,..) tăng cao.

Đáng quan tâm là CPI sẽ tăng rất cao trong các tháng còn lại do nhiều yếu tố. Giá nhập khẩu tiếp tục tăng cao, nhất là giá xăng dầu, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu khác. Giá nguyên nhiên vật liệu đã tăng rất cao, mới chuyển một phần vào giá sản phẩm sản xuất, chưa chuyển sang giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, tới đây sẽ tiếp tục chuyển sang hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, làm tăng CPI.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng cao lên sau hơn 2 năm bị sức ép của dịch Covid-19, trong đó những khoản về dịch vụ tăng cao nhất, khoản hàng hóa cũng tăng cao hơn trước do tỷ trọng hàng hóa, tiêu dùng thông qua mua, bán trên thị trường tăng lên, tỷ trọng tiêu dùng thông qua tự cấp tự túc giảm.

Cân nhắc các kênh đầu tư

Giá vàng tháng 5/2022 so với cùng kỳ tăng 9,85%, so với tháng 12/2021 tăng 7,81%, bình quân 5 tháng so cùng kỳ tăng 6,48% - đều cao gấp trên 3 lần CPI. Giá vàng thế giới sẽ còn tăng, có thể vượt 1950, thậm chí 2000 USD/ounce, nhưng do giá USD trên thế giới có xu hướng tăng, nên giá vàng thế giới sẽ không tăng cao; hơn nữa giá vàng trong nước còn chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, nên giá vàng bình quân năm trong nước khó tăng cao hơn tốc độ tăng của bình quân 5 tháng (6,48%), thậm chí còn tăng thấp hơn.

Đồng USD trên thế giới có xu hướng cao lên khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, USD-Index đã có lúc vượt lên trên 104 điểm. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD ở Việt Nam đã giảm năm thứ ba liên tiếp; một phần do lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn vẫn đạt quy mô khá, một phần do việc điều hành thị trường ngoại hối (tiếp tục sử dụng tỷ giá trung tâm, lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ bằng 0%,…), một phần do ít có áp lực găm giữ ngoại tệ, một phần do xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ lớn và tăng là điểm mà Mỹ nghi ngờ Việt Nam thao túng tiền tệ. Do vậy Việt Nam vẫn thực thi chính sách thị trường ngoại hối ổn định.

Chỉ số chứng khoán sau một thời gian bị sụt giảm rất sâu (tới mấy trăm điểm), khi phát hiện các sai phạm của không chỉ có cá mập rình rập (trong những người đầu tư), mà còn có cả công ty niêm yết của một số công ty chứng khoán, một số lãnh đạo chủ chốt của các Sàn Giao dịch, của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…, đã không còn hấp dẫn như trước đó. Không ít nhà đầu tư đã chuyển vốn khỏi chứng khoán- với nước ngoài thì chuyển sang mua trái phiếu ở trong nước, với trong nước thì chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Theo đó, dù đang ở “đáy” hoặc “vùng đáy”, có một số nhà đầu tư bắt đáy. Nhưng vẫn trong trạng thái “3 ngày béo, 7 ngày gầy”, điểm số có tăng cũng khó, thậm chí giảm nhiều hơn tăng. Nhà đầu tư lớn còn vậy thì nói chi đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bất động sản mấy năm qua tăng mạnh trên diện rộng, nhất là ở nông thôn, có một phần do tiền từ các kênh đầu tư khác chuyển sang, có một phần do “cung” tăng thấp hơn “cầu” vì giá đầu vào tăng…

Theo thống kê kinh nghiệm từ các chu kỳ tăng giá bất động sản trước (1994, 2001, 2008, 2015, 2021 và 2022), với gói hỗ trợ lãi suất kéo theo một lượng tín dụng lớn đến 2 triệu tỷ đồng/2 năm (có một phần sẽ bị lái sang thị trường này) thì việc tăng giá theo dự đoán sẽ chậm lại (có thể năm 2022, cùng lắm đến 2023 sẽ vượt qua “đỉnh sang dốc bên kia”, rồi lăn xuống với tốc độ ra sao thì chưa biết).

Đầu tư vào tiền ảo ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia không ít, nhưng đã rơi xuống khá sâu (Bitcoin giảm từ đỉnh 68.000 USD hiện đang quanh mức 21,75 nghìn USD), cộng với tính pháp lý ở Việt Nam và một số người bị mất trắng do bị lừa… có lẽ sẽ làm cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường này bị nhụt chí.

Tuy nhiên, trên thế giới có những dự đoán giá Bitcoin sẽ phục hồi trở lại, vượt xa so với “đỉnh” cũ, hiện đang ở giá “đáy” hoặc vùng giá “đáy”, trong khi các kênh đầu tư khác không những chưa hấp dẫn hoặc có thể còn rủi ro, thì cũng sẽ có người không những không bán ra, mà có thể còn rủi ro, thì cũng sẽ có người không những không bán ra, mà có thể đầu tư “bắt đáy”.

Với diễn biến và dự đoán các tác động trong thời gian tới, người viết có một số khuyến cáo để tham khảo. Những người ít vốn, “gan” yếu hoặc chờ thời cơ đầu tư thì gửi vào hoặc tạm trú vào tiết kiệm (ít nhất cũng có lãi suất danh nghĩa và có một ít lãi suất thực), nhưng không nên gửi thời hạn quá dài (bởi lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng khi lạm phát tăng).

Những người đang nắm giữ bất động sản nếu có “gan to, gan khỏe”, thì từ từ thoát dần (bởi tính thanh khoản thấp); những người dự định đầu tư vào đây cần cẩn trọng trong việc lựa chọn loại sản phẩm, nơi đầu tư… Các kênh đầu tư mà giá đang ở “đáy” hoặc “vùng đáy”, nếu có “gan” to thì đưa một phần vốn bắt “đáy”.

 

Gói hỗ trợ tài khóa- tiền tệ tới đây tiến độ thực hiện được đẩy nhanh, trong đó có gói cấp bù lãi suất sẽ kéo hàng triệu tỷ đồng tín dụng ra thị trường sẽ làm cho CPI cả năm sẽ vượt mục tiêu (khoảng 4%), được dự đoán có thể vượt qua mốc 5,5%.