Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Đông đẩy mạnh sử dụng nền tảng khai báo y tế điện tử bằng quét mã QR

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch, đảm bảo việc truy vết được nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan, UBND quận Hà Đông chỉ đạo các đơn vị, cơ sở kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR code.

Tăng cường tuyên truyền
Theo UBND quận Hà Đông, ngay sau khi TP Hà Nội chỉ đạo đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và 17 phường đẩy mạnh triển khai đến các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ bắt buộc phải thực hiện tạo mã QR địa điểm tại địa chỉ http://qr.tokhaiyte.vn/ và kiểm soát người vào đơn vị bằng việc quét QR code.
Công dân trên địa bàn bắt buộc phải thực hiện việc quét mã QR code khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã. Thống nhất kích thước tối thiểu đối với mã QR địa điểm: 15 x 15cm; đối với mã QR cá nhân: 5 x 5cm.
 Quận Đoàn Hà Đông thành lập tổ lưu động vừa đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn tạo mã QR cho các cơ sở kinh doanh.

Để việc quét mã QR được triển khai mạnh đến từ hộ, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh, UBND quận đã giao cho các phường, Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao, các tổ chức đoàn thể tích cực vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân tạo mã QR code và thực hiện.
Công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, với nhiều hình thức khác nhau để người dân, DN nắm được chủ trương của TP Hà Nội về triển khai khai báo y tế bằng quét mã QR. Nói về vấn đề này bà Nguyễn Thị Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao quận Hà Đông cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Thông tin Truyền thông, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức đó là đăng các thông báo, văn bản chỉ đạo của quận, viết các tin, bài tuyên truyền đậm nét trên Cổng thông tin điện tử của UBND quận. Làm file âm thanh chuyển đến đài truyền thanh các phường, yêu cầu mỗi ngày phát 4 lần. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai làm QR code trên hệ thống trang mạng fanpage của quận và của Trung tâm Văn hóa Thông tin và thể thao. Từ đó, giúp cho DN, cá nhân hộ sản xuất kinh doanh nắm được các bước tạo QR code và sử dụng.
Tích cực hỗ trợ tạo mã QR
Để giúp cho người dân, DN dễ dàng tạo mã quét QR, ngoài việc tuyên truyền, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo các, Đoàn Thanh niên tích cực hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng Bluezone, NCOVI, VHD, VneID, tạo mã QR code dán lên các cửa ra vào điểm kinh doanh, cơ quan, công sở, nhắc nhở, yêu cầu người dân khi ra - vào cơ quan, tổ chức, các địa điểm kinh doanh cần thực hiện nghiêm việc quét mã QR.
 Đại diện Đoàn Thanh niên đang tiến hành tạo mã QR cho cửa hàng kinh doanh.

Theo Bí thư Quận đoàn Hà Đông Hoàng Thị Huyền Trang: Quận đoàn Hà Đông đã chỉ đạo các cơ sở đoàn ở 17 phường đồng loạt thành lập tổ lưu động hỗ trợ cơ sở kinh doanh tạo mã QR code để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid 19. Các tổ lưu động trang bị đầy đủ các thiết bị như máy tính xách tay, smart phone, máy in, cục phát wifi, tới các DN, cơ sở kinh doanh hỗ trợ khai thông tin, tạo mã QR và in, dãn mã ngay tại địa điểm, đảm bảo tiêu chí nhanh gọn, thần tốc, chính xác. Đây là mô hình tuyên truyền sáng tạo của tuổi trẻ Hà Đông trong công tác hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tạo điểm quét mã QR, quản lý người ra vào, hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Đến nay, Quận Đoàn đã tạo được trên 3.000 mã quét QR cho các cơ sở kinh doanh.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ Hà Đông, chợ nông sản Văn Quán, nơi tập trung đông người đến kinh doanh, mua bán đều có mã QR. Những người vào chợ đều phải quét mã. Nếu không có điện thoại thông minh thì sẽ phải ghi sổ các thông tin cá nhân.
"Chợ nông sản Văn Quán thu hút trên 500 trăm lượt tiểu thương đến mua – bán hàng hóa mỗi ngày. Để kiểm soát dịch bệnh, Ban quản lý chợ đã tạo mã QR để tại cổng chợ, ai vào chợ phải khai báo qua quét mã QR mới được vào. Những ai không có điện thoại thông minh thì cũng phải khai báo qua ghi sổ các thông tin cá nhân để tiện truy vết nếu có ca mắc Covid-19 vào chợ" - bà Ngô Thị Toàn, Kiểm soát Trưởng Hợp tác xã Văn Quán chia sẻ. Tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích như Co.opmart, Vinmart, Tops Market … đều bố trí khá nhiều mã quét QR ở phía ngoài cổng để người dân vào mua sắm tiện khai báo y tế.
 Các cửa hàng kinh doanh vừa bố trí nước sát khuẩn và dán mã QR để người dân khai báo trước khi vào sử dụng dịch vụ, mua - bán.

Lực lượng công an phường phối hợp với Đoàn thanh niên và các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ thực hiện nghiêm việc sử dụng quét mã QR khai báo y tế. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... trên địa bàn không thực hiện tạo mã QR code sẽ nhắc nhở, nếu quá 3 lần vẫn không thực hiện thì phối hợp với chính quyền địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi tạo xong QR code và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định...
Quận đã có văn bản triển khai đến các phường, phòng Kinh tế hướng dẫn, đôn đốc người dân, DN, cửa hàng bán lẻ, các hệ thống tiện ích trên địa bàn tạo mã QR code và sử dụng. Các phường thành lập các tổ lưu động để hỗ trợ người dân, DN, chủ cửa hàng chưa tạo được mã thực hiện 3 bước để tạo mã QR code và hướng dẫn sử dụng. Nhìn chung, quận đã triển khai đến tất cả phường, tổ dân phố, đoàn thể đều vào cuộc. Đến nay, 100% các cửa hàng, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động đều đã tạo QR code. Đó là ý kiến của ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Hà Đông.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, mặc dù một số địa điểm kinh doanh đã tạo mã QR, nhưng khách đến không khai báo y tế, cũng không nhắc nhở, nhất là các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ. Ở các nhà chung cư một số căn hộ cho thuê làm doanh nghiệp, khi khách đến tòa nhà cũng chỉ có 1 mã quét QR ở cửa ra vào, hoặc cửa các hầm gửi xe. Tuy nhiên, khi khách gửi xe xong lại không đi qua điểm quét mã QR. Như vậy, việc bố trí điểm quét mã QR chưa đúng điểm để khách ra vào dễ dàng khai báo y tế. Hơn nữa một số người dân lớn tuổi đi chợ chưa có điện thoại thông minh nên việc quét mã QR không được thực hiện. Do đó, việc bố trí mã quét QR đúng vị trí người dân dễ tiếp cận và thường xuyên có người nhắc nhở khách đến giao dịch quét mã QR thì mới hiệu quả.