Buổi đối thoại được tổ chức theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu 17 phường.
Theo báo cáo của Phòng Nội vụ, trong 9 tháng đầu năm quận Hà Đông đã triển khai hội nghị đối thoại 6 tháng đầu năm 2022 với mục tiêu tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện định danh công dân.
Quận đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại các phòng ban chuyên môn, bộ phận tiếp nhận và giải quyết TTHC tại quận và phường với 38 lượt. Trong đó, kiểm tra công vụ đột xuất 17 lượt đối với 17 phường; kiểm tra cải cách hành chính (CCHC), TTHC đột xuất 9 lượt đối với 7 phường 1 phòng chuyên môn; kiểm tra quy tắc ứng xử tại 8 phường; kiểm tra kiểm soát TTHC.
Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết TTHC, xây dựng và thực hiện quy trình nội bộ. Đoàn kiểm tra đã thiết lập biên bản, làm cơ sở để UBND quận ban hành thông báo kết luận đề nghị các đơn vị được kiểm tra tổ chức khắc phục theo quy định. 10 tháng, toàn quận đã tiếp nhận 90.507 hồ sơ, trong đó có 27.963 hồ sơ trực tuyến, đạt 30.9%; 100% hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết TTHC mức độ 3 và 4 chưa cao. Nguyên nhân chính là do người dân ở ngay địa phương nên không có nhu cầu làm TTHC trực tuyến. Thực hiện TTHC trên cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia đã triển khai 25 TTHC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.
Tỷ lệ hồ sơ nộp trên cổng DVC quốc gia là chưa cao, do công dân không đăng ký số điện thoại chính chủ không tạo lập tài khoản. Ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ đã triển khai quy trình liên thông mới tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam. Hà Đông đã có 3 phường là Kiến Hưng, Biên Giang, La Khê đã thực hiện thành công cấp giấy khai sinh, cấp thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký thường trú theo quy trình liên thông trên cổng DVC quốc gia.
Buổi đối thoại đã nhận được 11 ý kiến của công dân ở 11 phường về các nội dung như: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT; thực hiện bỏ sổ hộ khẩu; thủ tục đính chính, bổ sung thông tin sai lệch các giấy tờ đối với giấy tờ gốc đối với người có công; mở tài khoản giao dịch TTHC trực tuyến; thủ tục cấp phép xây dựng bổ sung, nâng cấp tầng nhà...
Tại buổi đối thoại các câu hỏi đã được lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của quận Hà Đông trả lời công dân thỏa đáng. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách thức làm và nộp TTHC tại các bộ phận 1 cửa, hoặc trên cổng DVC khi đã có kết nối liên thông.
Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông đánh giá cao các ý kiến trả lời của các phòng, ban chuyên môn rất thỏa đáng, nắm rõ vấn đề. Sau gần 1 năm trôi qua, có nhiều khó khăn như khí hậu biến đổi, dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, lương cho cán bộ, thay đổi chế độ chính sách, thủ tục giữa mới và cũ đan xen. Tuy nhiên, 2 vấn đề chính trong giải quyết TTHC trong đó con người đã góp phần quan trọng vào công việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác CCHC, phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông giao Phòng Nội vụ thường xuyên đưa công khai TTHC niêm yết trên cổng thông tin điện tử, phòng văn hóa đăng thông tin đến người dân. Đặc biệt, thủ tục mức độ 3, 4, đăng ký thường trú, chuyển đổi số theo Đề án 06 của Chính phủ.
Yêu cầu cán bộ phải sâu sát công việc để làm tốt công tác CCHC, giải quyết TTHC cho công dân. Công bố quy trình giải quyết nội bộ làm rõ thời gian thực hiện và rà soát lại quy trình, TTHC còn hiệu lực, hay không còn hiệu lực. Thực hiện Đề án 06 sẽ triển khai lắp đặt tại 17 phường trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, nhằm đảm bảo giải quyết TTHC liên thông trên cổng DVC Quốc gia. Những nội dung nào còn thắc mắc, thì các công dân tiếp tục gửi đến các đơn vị, địa phương để giải quyết.