Người dân đòi giữ nguyên hiện trạng đường nội đồng
Mở đầu Hội nghị, bà Đặng Thị Thiềm tổ dân phố 17 đề nghị cho giữ nguyên hiện trạng con đường. Đây cũng là ý kiến của bà Đào Thị Trâm tổ dân phố 21; ông Đào Đức Chinh tổ dân phố 18.
Ông Dương văn Thuyên tổ dân phố 18 phát biểu: Lịch sử con đường có từ xưa. Hiện tại, đây là đường đi chính của Nhân dân Bắc Lãm 8 và 9. Nguyện vọng của người dân là được giữ nguyên hiện trạng tuyến đường để giải tỏa cho tuyến đường 21, mở mang dân trí, phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Phùng Văn Lời tổ dân phố 19 cho biết: Con đường có từ lâu đời, gắn bó với người dân, vừa là đường đi, vừa là đường tiêu nước từ làng ra sông và giúp tưới tiêu cho các cánh đồng. Việc bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án tiến độ giao đất dịch vụ chậm. Hiện nay khoảng 60% chưa nhận đất dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Thu tổ dân phố 20: Lịch sử con đường có từ xưa, năm 2013, chùa Bắc Lãm mở quỹ tiền cải tạo đường. Năm 2015, Nhân dân Bắc Lãm góp sức người, sức của để cải tạo đường từ làng đi ra đường trục phía Nam. “Đề nghị giữ lại con đường”, ông Nguyễn Văn Thu bày tỏ.
Đồng ý kiến, ông Nguyễn Kim Đoan tổ dân phố 22 đề nghị sau khi thu hồi đất thực hiện dự án, nên nghiên cứu tuyến đường thoát nước. Còn ông Đào Khiển tổ dân phố 17 đề nghị giữ nguyên hiện trạng đường để tạo thuận lợi cho người dân phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy.
Theo ông Nguyễn Văn Học tổ dân phố 20: Con đường đã có từ lâu, đề nghị giữ lại con đường để tạo điều kiện cho Nhân dân sinh hoạt và đi lại. Tuy nhiên, việc cản trở không cho con em đi học là sai trái.
Theo đại diện một hộ dân, việc phụ huynh Bắc Lãm cho con nghỉ học, mục đích chính là đòi lại con đường dân sinh của người dân Bắc Lãm. Người này lý giải thêm: “Chúng tôi là cha mẹ học sinh, nhưng không có đường đi chợ thì không có tiền cho con em đi học”.
Chính quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thanh – Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông: Việc giải quyết nội dung liên quan đến tiêu, thoát nước hệ thống kênh mương nội đồng nằm trong dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 gồm kênh 33 đoạn nằm trong dự án Khu đô thị Thanh Hà giữ nguyên. Kênh Diễn nằm trong dự án có chiều dài 800m. Trước khi bị lấp, chủ đầu tư Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 đã nạo vét, nắn dòng kênh. Đoạn kênh nắn kênh Diễn có nhiệm vụ thay thế cho kênh Diễn sau khi bị lấp. Hiện Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 quản lý đã nạo vét, tuy nhiên, do ô tô đi lại nhiều gây sạt, trượt. Thời gian tới, chủ đầu tư có trách nhiệm nạo vét lại để đảm bảo tưới tiêu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Vũ Ngọc Phụng – Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Việc giải quyết chính sách đất dịch vụ, về mặt chủ trương đã được thống nhất từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, HĐND TP Hà Đông (trước đây), nay là quận Hà Đông. Trong thời gian qua, quận Hà Đông đã đầu tư 17 dự án với tổng mức đầu tư lên tới 197 tỷ đồng, cho riêng khu vực Bắc Lãm, phường Phú Lương. Như vậy, quận đã quan tâm đối với việc phát triển hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh của phường khá nhiều.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Phụng, đường trục phía Nam là tuyến đường nhằm giảm tải cho tuyến đường 21B phục vụ đi lại của người dân Bắc Lãm. Do đó, quận Hà Đông yêu cầu chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND phường Phú Lương phối hợp, rà soát lại, nếu cây cầu chưa được đền bù thì yêu cầu chủ đầu tư làm lại cầu. Đồng thời, triển khai nhanh các tuyến đường kết nối trong khu đô thị và bỏ các ba-ri-e chắn đường để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Ông Vũ Ngọc Phụng khẳng định: Các cấp chính quyền quận Hà Đông sẽ lắng nghe, tiếp thu tất cả các ý kiến của người dân. Nếu sau Hội nghị, hộ dân nào có ý kiến, có thể gửi văn bản đến cấp có thẩm quyền để được trả lời cụ thể.