Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Những ngày này, đi đến đâu khắp các xóm phố trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội đều dấy lên phong trào tương thân, tương ái vì đồng bào miền Trung bị lũ lụt.
Ngày 15/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã có Thư ngỏ gửi đến Ủy ban MTTQ các phường, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn, phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Với lời kêu gọi này, không chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp mà cộng đồng người dân trên địa bàn của quận Hà Đông đã có nhiều hình thức quyên góp, ủng hộ cho vùng lũ bằng tiền, hiện vật.
Đối với các phường, không chỉ kêu gọi người dân ủng hộ vùng lũ miền Trung mà còn cập nhật liên tục những thiệt hại mà đồng bào nơi rốn lũ phải hứng chịu lên các nhóm zalo, facebook. Thông qua đó, cũng thông tin cho người dân không nên trực tiếp chuyển hàng, tiền vào vùng lũ nếu chưa có kinh nghiệm đi làm từ thiện ủng hộ vùng lũ lụt.
Theo Quyền Chủ tịch UBND phường Phú Lương Dương Ngọc Thỏa: Những ngày qua cả hệ thống chính trị của phường, các nhà hảo tâm, mọi người dân Phú Lương đang đẩy mạnh việc huy động, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng thiệt hại do bão lũ miền Trung.
Đến nay, phường Phú Lương đã huy động được trên 100 triệu đồng và trên 100 thùng mì tôm, nhiều hàng hóa như gạo, sữa,… Đặc biệt, Công an phường huy động gạo nếp, đậu và thịt để gói 500 cái bánh chưng gửi vào vùng lũ. Phường sẽ tổ chức kêu gọi ủng hộ đến ngày 31/10/2020.
Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) quận Hà Đông Lại Hà Phương, cho biết: Trong những ngày qua Hội đã phát động việc ủng hộ đến toàn thể các hội viên HPN. Đến nay, tất cả các Chi hội, tổ HPN trong dân cư đều đã ủng hộ tiền, mì tôm, gạo. Số kinh phí và hàng hóa đều gửi về Ủy ban MTTQ quận.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ quận Hà Đông, đến nay đơn vị này đã tiếp nhận gần 700 triệu đồng, 346 thùng mì tôm, 100 bộ quần áo mới, cùng gạo, thuốc, nhu yếu phẩm. Toàn bộ số tiền, hàng hóa này đều được chuyển về Ủy ban MTTQ TP Hà Nội để chuyển vào các tỉnh miền Trung.
Mọi tấm lòng đều hướng về miền Trung
Không chỉ có các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể mà nhiều ngày qua, các nhóm thiện nguyện trên địa bàn đã đứng lên kêu gọi người dân với tinh thần tương thân, tương ái ủng hộ đồng bào miền Trung gặp thiên tai.
Trong đó, nhóm Thiện Tâm ở La Khê, Biên Giang, Dương Nội đã huy động cộng đồng dân cư, nhà hảo tâm gói bánh chưng, ủng hộ quần áo, nước uống, mì tôm. Đây là nhóm đã làm thiện nguyện lâu năm nên trực tiếp chở hàng hóa, bánh chưng vào vùng lũ.
Tại các phường Văn Quán, Phúc La, Quang Trung, Kiến Hưng… từ trước đến nay đều có những nhóm thiện nguyện hoạt động kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa, đợt này đều tích cực huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, mì tôm, quần áo, nhu yếu phẩm khác. Các nhóm này có một số trực tiếp đi vào vùng rốn lũ, một số ủy quyền qua các đơn vị chuyển đến vùng lũ miền Trung.
Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường Phúc La Bùi Thị Thịnh cho biết: Mọi đóng góp của các Hội viên Hội Chữ Thập đỏ và phụ nữ Tổ dân phố 2 nơi bà sinh sống đều được chuyển về Ủy ban MTTQ phường. Tuy nhiên, dân làng Yên Phúc (tên gọi trước đây) đã kêu gọi mọi người chung tay góp gạo, đỗ, thịt để gói 1.500 bánh chưng, cùng hàng nghìn gói cơm được nấu chín, hút chân không gửi vào vùng lũ thông qua một đơn vị bộ đội.
Theo bà Bùi Thị Thịnh, mỗi gói cơm, chiếc bánh dù không nhiều nhưng nó mang cả tình người, sự yêu thương, đùm bọc của người dân làng Yên Phúc gửi đến đồng bào bị thiệt hại do thiên tai bão lũ. Mong đồng bào ở miền Trung nhanh chóng khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng mỗi tổ chức thiện nguyện như vậy cũng gói hàng trăm cho đến hàng nghìn chiếc bánh chưng, huy động hàng tấn hàng hóa. Cách làm của mỗi tổ chức thiện nguyện một khác, nơi dùng phần mềm công nghệ để kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân, có nơi đi hát để lấy kinh phí và có nơi chỉ cần lời nói truyền tai nhau trong “làng xóm”, thế là ai nấy góp gạo, đỗ, tiền và công để gói những chiếc bánh ấm tình người. Điều đó, thể hiện mọi tấm lòng của người dân Hà Đông đang hướng về dải đất miền Trung ruột thịt.