Theo Giám đốc BHXH quận Hà Đông Lê Thành Long, hiện quận có 4.454 đơn vị với trên 58.000 lao động tham gia BHXH và trên 227.000 người tham gia BHYT. UBND quận thường xuyên chỉ đạo BHXH quận tăng cường khai thác và thu hồi nợ, khai thác các DN thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa tham gia… BHXH quận cũng thực hiện nghiêm Luật BHXH, Luật BHYT, nhất là công tác thu hồi nợ BHXH, BHYT được UBND quận quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nên tỷ lệ nợ của các DN có xu hướng giảm dần.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP làm việc với đại diện UBND quận-BHXH quận Hà Đông, các sở, ngành liên quan và một số DN thuộc quận có nợ đọng BHXH. |
Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT của các DN vẫn ở mức cao: Đến tháng 8/2017 có 55 DN nợ từ 50 triệu đồng trở lên, với tổng số 9.823 lao động, tổng số tiền nợ 139,803 tỷ đồng, chiếm 16,21% số lao động, 11,76% số tiền phải thu. Tính về thời gian nợ, có tổng cộng 1.133 DN nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số 8.136 lao động, tổng số tiền nợ 187,801 tỷ đồng, chiếm 13,43% số lao động và 15,8% số tiền phải thu. Trong số này, DN ngoài quốc doanh có tỷ lệ DN nợ BHXH cao nhất (trên 96%), với số tiền nợ chiếm trên 61%. Theo lãnh đạo BHXH quận, một nguyên nhân quan trọng là nhận thức của NLĐ cũng như chủ sử dụng lao động chưa cao, nên DN tham gia BHXH chưa đầy đủ. Số DN lớn, trong khi không ít DN có đăng ký kinh doanh và nộp thuế tại quận nhưng không hoạt động trên địa bàn nên khó rà soát, tuyên truyền, kiểm tra những DN nợ, trốn đóng BHXH… Đồng thời, trên địa bàn tập trung nhiều DN xây dựng cơ bản, xây lắp, cầu đường, thi công cơ giới đang gặp khó khăn trong quyết toán các công trình đã đầu tư thi công (kể cả công trình có vốn nhà nước), mà đến nay chưa có cơ chế tháo gỡ.Lắng nghe ý kiến của quận, sở, ngành liên quan cũng như chia sẻ khó khăn từ các DN, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương khẳng định: Đoàn chọn Hà Đông là địa phương đầu tiên để thực hiện giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về BHXH, BHYT với NLĐ tại các DN vì hiện quận đứng thứ hai TP về nợ đọng BHXH, BHYT, với tỷ lệ lên tới 16,5%, trong khi toàn TP phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ này xuống dưới 4%. Dù cấp ủy, chính quyền quận rất quan tâm chỉ đạo; chú trọng tuyên truyền, thanh, kiểm tra, công tác thu hồi nợ đã có nhiều cố gắng, song quận mới đạt kết quả bước đầu, tỷ lệ nợ đọng còn lớn. “Có một số tồn tại trong công tác này tại Hà Đông hiện nay, đó là tính tuân thủ pháp luật của DN và nhận thức của NLĐ về BHXH đều hạn chế; tại quận có tỷ lệ cao DN có thời gian nợ rất dài, nợ rất lớn; đồng thời tới 96% DN là siêu nhỏ, nên không ổn định, khó thống kê, tổng hợp số lượng cũng như kinh phí đang nợ… Trong khi đó, thủ tục để thực hiện khởi kiện DN nợ đọng đang rất phức tạp, có khi kéo dài 2-3 năm, và Thành ủy cũng đã có kiến nghị với Chính phủ, BHXH Việt Nam về vấn đề này. Đặc biệt, có thể thấy hầu hết DN nợ đọng đang gặp nhiều khó khăn, song vẫn có những DN đủ tiềm năng chi trả nhưng vẫn không chấp hành, như trường hợp DN hoạt động thu gom rác thải tại 7 quận mà vẫn nợ đọng hơn 10 tỷ đồng tiền BHXH, BHYT cho NLĐ là không thể chấp nhận, nên đoàn giám sát sẽ phải đánh giá lại năng lực của những DN này thế nào”, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP nhấn mạnh.Từ đó, Trưởng đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo UBND quận cùng với quan tâm triển khai đầu tư trụ sở BHXH quận cho kịp tiến độ thì cần tăng cường tuyên truyền để DN chấp hành tốt các quy định liên quan; chú trọng thanh, kiểm tra về BHXH nhưng cũng cần lồng ghép vào các cuộc thanh tra công vụ hay kinh tế-xã hội nói chung để tránh phiền toái cho DN; chủ động, quyết liệt thu hồi nợ đọng… Quận cần phát huy cao hơn vai trò không chỉ của cơ quan BHXH mà cả chức năng quản lý nhà nước của UBND quận, phối hợp chặt chẽ với Công an, LĐLĐ quận..., kiên quyết không để phát sinh nợ BHXH mới.