Hà Đông: Trên 25.500 lượt cá nhân và đơn vị được nhận hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến ngày 27/8, trên địa bàn quận Hà Đông đã có trên 25.522 lượt người, hộ gia đình, doanh nghiệp được hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Chi trả đúng đối tượng
Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, quận Hà Đông đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ đến các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, quận đã triển khai thực hiện xét duyệt hồ sơ, hỗ trợ đến các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP; Nghị quyết 15/NQ-HĐNĐ của Thường trực HĐND TP.
 Tại phường Phú Lương, ngoài hỗ trợ các khoản tiền theo chính sách của nhà nước và TP, địa phương còn kêu gọi hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các gia đình khó khăn trong dịch bệnh.

Theo đó, nhóm hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NĐ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Quyết định 3642/QĐ-UBND đã được quận xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 46 cơ sở giáo dục, doanh nghiệp với 783 người. Trong số này có 38 người lao động đang mang thai, 406 trẻ em chưa đủ 6 tuổi là con người lao động. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,33 tỷ đồng.
Đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động đã hỗ trợ 769 người, với kinh phí trên 1,15 tỷ đồng. Quận đã xét duyệt, hỗ trợ 20 hộ kinh doanh phải nghỉ do dịch bệnh với 60 triệu đồng.
Hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng F0 đã hoàn thành điều trị, F1 đã hoàn thành cách ly được 184 người, với kinh phí 246,64 triệu đồng, trong đó có 8 trẻ em dưới 16 tuổi. Tổng số đối tượng quận Hà Đông đã hỗ trợ từ nguồn ngân sách theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 3642 của Thành phố được 1.756 người và hộ, với kinh phí đã hỗ trợ 4.794,23 triệu đồng.
 Phường Hà Cầu, ngoài hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và quyết định của Thành phố còn tiếp tục hỗ trợ gạo, thực phẩm cho các đối tượng lao động tỉnh ngoài bị mắc kẹt trên địa bàn. Hình ảnh đóng gói gạo cho sinh viên.

Quận và các phường đã triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết 15/NQ-HĐNĐ của Thường trực HĐND TP đối với 3 nhóm đối tượng là người hưởng chính sách thuộc lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo được 6.924 trường hợp, kinh phí 6.924 triệu đồng.
Nhìn chung, công tác xét duyệt hồ sơ đều đảm bảo chặt chẽ, từ khi giới thiệu tại các tổ dân phố, đến phường và duyệt chi cuối cùng tại quận. Các phường gửi danh sách đến đâu, quận duyệt chi ngay đến đó, đảm bảo chi đúng, chi đủ cho các đối tượng được hưởng theo quy định của Chính phủ và TP. Các khoản chi hỗ kịp thời đến các gia đình, đơn vị đã giúp họ phần nào vơi đi khó khăn trong cuộc sống.
Tăng cường xã hội hóa nguồn hỗ trợ
Trong những ngày qua, phóng viên đã theo chân nhiều đơn vị, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn như: Ủy ban MTTQ, Đoàn Thành niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), Hội Chữ thập đỏ đi tặng quà các đối tượng gặp khó khăn, đơn vị trực chốt, cơ sở cách ly của quận và TP đóng trên địa bàn mới thấy được sự nỗ lực của mọi cấp, ngành trong việc thực hiện xã hội hóa công tác thiện nguyện, tặng quà để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường, quận đang điều hành 5 khu cách ly tập trung. Với quyết tâm, không để ai bị đói trong thời điểm giãn cách xã hội, quận đã kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp, địa phương, nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để tặng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch như: Trực chốt, đơn vị cách ly y tế, y bác sỹ trong bệnh viện, và những lao động mất việc làm, sinh viên trú trọ trên địa bàn.
 Hội LHPN quận Hà Đông vận chuyển hàng đến khu cách ly.

Ngay trong sáng 27/8, phóng viên đã theo chân chị em của Hội LHPN của quận Hà Đông đến tặng nhu yếu phẩm, thực phẩm cho cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP tại Đại học PHENIKAA gồm khẩu trang, nước uống, mỳ tôm. Những phần quà đã động viên kịp thời các y, bác sỹ và những người phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tại đây.
Thượng tá Hoàng Văn Sáu - Phó Chỉ huy Trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Hà Đông, quản lý trực tiếp Bệnh viện dã chiến PHENIKAA cho biết: Bệnh viện dã chiến PHENIKAA của TP Hà Nội đi vào hoạt động từ ngày 11/8/2021 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Bệnh viện đã thu dung và tiếp nhận trên 200 bệnh nhân. Do một số trường hợp nặng đã đưa về bệnh viện tuyến trên để điều trị. Hiện Bệnh viện dã chiến PHENIKAA còn điều trị 197 bệnh nhân F0.
“Chúng tôi là đơn vị thu dung và điều trị ban đầu cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 theo chỉ đạo Thành phố. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi được cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị, đoàn thể như Quận đoàn, Hội LHPN của phường và quận Hà Đông tạo điều kiện đến thăm hỏi tặng quà, kịp thời cổ vũ, khích lệ, động viên anh em thực hiện nhiệm vụ tại đây. Sự quan tâm trên đã cơ bản đảm bảo đủ các nhu yếu phẩm, thực phẩm trong quá trình phục vụ, chăm sóc bệnh nhân, để người bệnh sớm khỏi bệnh và đoàn tụ với gia đình”, thượng tá Hoàng Văn Sáu chia sẻ.
 Tặng quà của Hội LHPN quận Hà Đông tại Bệnh viện dã chiến PHENIKAA 

Ghi nhận tại điểm tiếp nhận quà của phường Hà Cầu, sáng ngày 27/8, chị em Hội LHPN đã tham gia tích cực vào việc chia phần quà của phường tiếp nhận để tặng cho các sinh viên thuê trọ trên địa bàn đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Mỗi người được 5 kg gạo, cùng với một số nhu yếu phẩm khác. Dù không nhiều, nhưng cũng giúp cho các em vượt qua khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hà Cầu Dương Thế Vinh cho biết: Trong thời gian qua, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Hà Cầu thực hiện kêu gọi xã hội hóa trên 1.300 đối tượng mắc kẹt tại địa phương, như sinh viên, người lao động tự do thuê trọ. Ngoài thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, phường đã hỗ trợ gạo, mỳ tôm, rau củ quả, nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo các đối tượng vượt qua khó khăn trong đợt giãn cách này.
Đến nay, từ nguồn xã hội hóa, quận Hà Đông đã hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, lao động tự do và sinh viên ngoại tỉnh không về được quê, người lang thang cơ nhỡ được 25.522 lượt người, hộ. Tổng kinh phí 7.335,5 triệu đồng, chưa kể lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm; trong đó lao động ngoại tỉnh, người ở trọ ngoại tỉnh là 13.971 lượt người.