Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Đông: Xử lý chợ tạm, bãi đỗ xe không phép trên địa bàn

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng chức năng quận Hà Đông gồm: Công an và Thanh tra Giao thông quận đã phối hợp với các phường ra quân xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Trong đó, có xử lý các chợ cóc, chợ tạm, bãi đỗ xe không phép trên địa bàn...

 Chợ cóc tự phát ở gầm cầu đường sắt chủ yếu là những người bán hàng nhỏ lẻ, người dân đem nông sản của gia đình ra bán.
Theo chân đoàn liên ngành của Ban Chỉ đạo 197 giải quyết chợ cóc tại gầm cầu vượt đường sắt ở phường Yên Nghĩa. Tại đây, có hàng chục điểm bán các mặt hàng nông thủy sản như: Rau xanh, củ, quả, trái cây, hoa, tôm, cá…
Theo lãnh đạo phường Yên Nghĩa, ban đầu chợ tự phát do một số gia đình có rau, củ, quả trong vườn nhà đem ra bán. Vài tháng nay có thêm một số người mang rau, củ, quả, thịt, cá đến kinh doanh, nhưng số lượng không lớn và thời gian họp chỉ diễn ra sáng sớm và chiều muộn. Nguyên nhân diễn ra chợ cóc này do nhu cầu mua - bán của người dân khu vực.
 Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, vận động bà con đi nơi khác kinh doanh, nhưng tình trạng này chưa triệt để. Lần ra quân này Ban chỉ đạo 197 sẽ thực hiện triệt để giải quyết chợ cóc, chợ tạm. 
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa Nguyễn Đình Chuyên cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Yên Nghĩa có trên 30.000 người sinh sống, nhưng không có chợ dân sinh, không siêu thị. Chỉ có 1 chợ phiên ở Yên Lộ họp mỗi tháng 6 phiên để bà con giao thương hàng hóa. Chỉ riêng 2 khu chung cư là Xuân Mai và Dương Nội thuộc tổ 18 và 19 của phường Yên Nghĩa nằm cạnh cầu vượt đường sắt đã có trên 10.000 dân sinh sống.
Tại đây, chỉ có một số kiot bán hàng tại các tòa chung cư. Trong khi đó, Yên Nghĩa là phường có nhiều diện tích đất nông nghiệp đang sản xuất rau, củ, quả, trái cây, trong đó có cả hợp tác xã sản xuất rau an toàn cung cấp ra thị trường. Hầu hết bà con có sản phẩm nông nghiệp đều phải đi các chợ ở xa hoặc cung cấp vào các cửa hàng kinh doanh. Ngược lại người mua cũng thiếu điểm bán hàng tập trung mà phải mua ở nhiều cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này cho thấy nhu cầu bán và mua của người dân trên địa bàn Yên Nghĩa là khá lớn.
 Lực lượng chức năng ra quân xử lý họp chợ tại cầu vượt đường sắt thuộc phường Yên Nghĩa.
Phường Yên Nghĩa đã nhiều lần đề nghị với cơ quan cấp trên xây dựng chợ cho bà con kinh doanh buôn bán, có như thế mới giải quyết triệt để việc bán hàng tự phát như hiện nay. Nhưng những mong mỏi của chính quyền địa phương và người dân đến nay vẫn chưa được thực hiện. Do đó việc tái lấn chiếm gầm cầu làm nơi kinh doanh thường xuyên diễn ra.
Theo Trung tá Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng Công an phường Yên Nghĩa: Điểm bán hàng tự phát ở gầm cầu hàng ngày Công an phường đều tổ chức lực lượng đi tuần tra, tuyên truyền, vận động bà con di chuyển đi nơi khác kinh doanh. Tuy nhiên, lực lượng có mặt thì bà con rời khỏi gầm cầu ra đứng ở bên chân cầu, chờ khi lực lượng đi thì bà con lại di chuyển vào bán.
 Mặc dù được lực lượng chức năng tuyên truyền đi nơi khác kinh doanh, nhưng số người này vẫn đứng ở cạch cầu chờ khi lực lượng đi khỏi để vào gầm cầu bán trở lại. 
Để giải quyết triệt để vấn đề này, một số cơ quan chức năng trong Ban Chỉ đạo 197 và phường Yên Nghĩa đề nghị ngành Giao thông đơn vị quản lý công trình cầu đường sắt nên có giải pháp rào chắn gầm cầu tránh người dân vào họp chợ. Đồng thời, các cấp xem xét, bố trí cho phường Yên Nghĩa 1 chợ để người dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi đất trống để họp chợ.

Cũng theo chính quyền phường Yên Nghĩa, nếu đưa chợ vào họp có quản lý, không những kiểm soát được hàng hóa kinh doanh trong chợ, Nhà nước thu được tiền thuế mà còn chống ô nhiễm môi trường do rác thải bừa bãi sau kinh doanh, phòng chống cháy nổ và đảo bảo trật tự đô thị.