Hạ lãi suất cho vay, lợi nhuận ngân hàng có thực sự giảm?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giảm lợi nhuận hay không còn tùy vào mức độ các ngân hàng thực hiện lợi hứa đến đâu, doanh nghiệp có tiếp cận dễ dàng không. Chưa kể, lợi nhuận ngân hàng còn bù đắp nhờ chuyển đổi số, cơ cấu nguồn thu dịch vụ và khoản trích lập dự phòng vừa phải trong năm nay.

Phải tính toán giảm lãi suất cho vay sao cho hợp lý

Trong cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hồi đầu tuần, 16 ngân hàng cho biết sẽ cùng tham gia giảm lãi suất cho vay đồng loạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Đợt giảm lãi suất lần này tập trung hướng vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch với mức giảm từ 0,5% đến 2,5% cho từng khoản vay. Tính trung bình, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Theo đại diện LienvietPostBank, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191 nghìn tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cho rằng, phải tính toán giảm lãi suất bao nhiêu % là hợp lý. "Với tổng dư nợ của Sacombank đang vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch” - ông Phan Đình Tuệ nói.

 Ảnh minh hoạ

Đại diện BIDV cũng cho biết, giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV trong năm 2021 cũng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng. Với Techcombank cũng tích cực tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để khách hàng có đủ dòng tiền trong kinh doanh trong lúc khó khăn.

Giảm lãi suất cho vay là mong muốn của cả nền kinh tế, nhưng ngân hàng cũng là DN, việc giảm lãi suất cho vay được đại diện nhiều ngân hàng cho biết là sẽ khiến lợi nhuận giảm đi hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí lên tới 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Đại diện lãnh đạo một ngân hàng thương mại đã cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh tác động, quốc gia rất cần “một người khỏe” và đó là ngân hàng, nếu ngân hàng yếu thì nền kinh tế sẽ yếu.

Do đó, các ngân hàng thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng có mức giảm lãi suất phù hợp.

“6 tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt. Vậy nên, tùy từng tệp khách hàng của mình, ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp” - Phó Tổng giám đốc MB Phạm Thị Trung Hà nhấn mạnh.

Cơ cấu nguồn thu bằng nhiều nguồn

TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, thực tế cho thấy không phải bây giờ mà suốt từ đầu tháng 4/2020 đến nay, nhiều ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn tăng trưởng lợi nhuận tốt (cũng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được). Việc giảm lãi vay có diễn ra trên diện rộng và giảm nhiều hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài ra DN có đáp ứng được tiêu chí, điều kiện hưởng thụ được dòng vốn giá rẻ hay không lại là vấn đề. 

Trên thực tế, lãi suất huy động đang ở mức thấp, lãi suất huy động đã giảm khoảng 2 - 2,5% trong năm qua, trong khi lãi suất cho vay mới giảm từ 1-1,5%. Hơn nữa, cách tính toán lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện cũng gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, với cho vay dài hạn, lãi suất ưu đãi năm đầu từ 8 - 9%/năm, các năm sau bị cộng thêm biên độ trong khoảng 4%/năm, tính ra có thể lên tới 11 - 13%/năm. Đến cuối tháng 6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 6% so với cuối năm 2020 và các ngân hàng vẫn đang tiếp tục xin tăng hạn mức tín dụng (room).

Bên cạnh đó lợi nhuận ngân hàng còn đến từ kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), chứng khoán, nhờ chuyển đổi số, cơ cấu nguồn thu bằng nhiều nguồn. Lãnh đạo TPBank chia sẻ, hiện lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung dài hạn của ngân hàng chỉ khoảng trên 8,5%, thuộc nhóm có lãi suất cho vay thấp trong hệ thống. Song, lợi nhuận kinh doanh của TPBank vẫn tăng trưởng là do ngân hàng thực hiện một loạt các giải pháp tiết giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở chi phí hoạt động, chỉ tăng có 6,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của doanh thu.

Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) tính toán, mức độ ảnh hưởng đối với lợi nhuận có thể được giảm bớt nhờ vào thu nhập từ phí tăng mạnh và khoản trích lập dự phòng vừa phải trong năm nay. 

“Đà tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam chắc chắn sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021 do các ngân hàng đều đã ghi nhận lợi nhuận tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên nếu nhìn vào bức tranh cả năm, các ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ đạt tăng trưởng tốt, với mức tăng 33% theo ước tính hiện tại với 17 ngân hàng niêm yết”, nhóm nghiên cứu tại MBKE nhận định.

Nhận định về đợt giảm lãi suất này, Dragon Capital phân tích, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6 đạt 5,5%, trong khi đó cung tiền M2 chỉ tăng 3,5%. Mặt khác, lạm phát trung bình 6 tháng chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ. "Đây là mức tăng thấp trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu và cho phép Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12 - 14%" - Dragon Capital nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần