Với tỷ lệ 68,54%, tỉnh này đã vượt qua nhiều địa phương lớn, khẳng định vị trí tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Theo số liệu từ hệ thống giám sát, đo lường Chính phủ số (EMC), trong năm 2024, Hà Nam đã xử lý trực tuyến toàn trình 68,54% trong tổng số 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính. Đà Nẵng (58,89%), Hà Giang (55,76%) và Nam Định (52,96%) là những địa phương xếp sau. Các tỉnh, thành còn lại đều đạt tỷ lệ dưới 50%, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc nhóm thấp nhất, chỉ đạt dưới 10%.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là một chỉ số quan trọng, phản ánh mức độ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến của địa phương. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình yêu cầu toàn bộ các bước, từ nộp hồ sơ, xử lý đến trả kết quả, đều được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng hoặc thông qua bưu chính công ích.
Trong khối bộ, ngành, Bộ Công Thương dẫn đầu với tỷ lệ 83,48%, tương đương 1,488 triệu hồ sơ trực tuyến toàn trình. Bộ Tài chính (78,44%) và Bộ Tư pháp (77,66%) lần lượt giữ vị trí thứ hai và thứ ba.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng một số đơn vị, như Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, mới ghi nhận số liệu từ các cơ quan chuyên trách, chưa bao quát toàn bộ các đơn vị trực thuộc.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước vẫn chưa đạt mục tiêu. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ này chỉ đạt 45,8%, trong khi mục tiêu đề ra là 50%. Khối bộ, ngành đạt 63,47% (mục tiêu 70%), còn khối tỉnh, thành chỉ đạt 18,54% (mục tiêu 30%).
Bộ TT&TT đánh giá, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn. Các nền tảng và hệ thống thông tin còn rời rạc, dữ liệu chưa được kết nối, khai thác hiệu quả. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi số của cả nước.
Trong năm 2025, Bộ TT&TT đặt mục tiêu nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình lên 80%, với khối bộ đạt 85% và khối địa phương đạt 70%.