Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hà Nam xuất hiện mưa lớn kéo dài, kết hợp việc xả lũ của các hồ thủy điện ở Tuyên Quang và Hòa Bình làm cho mực nước trên sông Đáy và sông Hồng dâng lên rất nhanh.
Đến 7 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy (tại trạm đo Phủ Lý) đạt 4,92m, cao hơn báo động 3 là 0,92m, còn mực nước trên sông Hồng (tại trạm đo Hưng Yên) đạt 6,94m, thấp hơn báo động 3 là 0,06m.
Cũng theo như dự báo, mực nước trên hệ thống của các sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam có xu hướng tiếp tục tăng cao.
Đến 7 giờ ngày 11/9, hệ thống đê điều đã ghi nhận một số sự cố và hiện tượng.
Cụ thể: đê bối Phù Vân tại xã Phù Vân (thành phố Phủ Lý) xảy ra sạt lở mái đê phía sông dài khoảng 20m, dù đã được gia cố bằng đá. Tuyến đê bối Hồng Lý gặp hiện tượng rò rỉ nước do cánh cống không đóng kín và đã được khắc phục. Tuyến kè bờ hữu sông Đáy từ cầu Hồng Phú đến cầu Châu Sơn đã bị nước tràn qua đỉnh kè. Trên tuyến đê bối Thụy Xuyên, xã Ngọc Sơn xảy ra tràn dài 20m. Mái đê thượng lưu đê hữu Hồng tại K154,258 đến K154,280 thuộc xã Tiến Thắng bị sạt lở. Cao trình đỉnh cung sạt +6,9m (thấp hơn cao trình mặt đê 0,27m), độ sâu cung sạt từ 0,7-1,0m.
Tình hình mưa lũ diễn biến rất phức tạp, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương kiểm tra và xử lý kịp thời các sự cố trên đê, kè, bối.
Đến 7 giờ ngày 11/9, các địa phương đã di dời hơn 640/2.795 hộ dân cần di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đã di dời 40.419 con gia súc, gia cầm và 850 vật dụng, tài sản của Nhân dân. Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cho sinh hoạt của các hộ dân tránh trú.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức đã chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục theo dõi tình hình lũ lụt, xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống lũ lụt, kịp thời di chuyển đến vùng an toàn.
Thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và phòng chống lũ lụt, lực lượng công an sẽ đảm bảo an ninh trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực đã di dời để bảo vệ tài sản của người dân.
Lực lượng quân đội và công an hỗ trợ di chuyển tài sản khỏi vùng lũ và giúp bà con thu hoạch lúa
Ngành y tế hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng cử cán bộ y tế tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cả trong thời gian lũ lụt và khi nước rút.
Các địa phương phải tập trung hướng dẫn và hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm, phòng chống dịch bệnh, và hỗ trợ tái sản xuất khi nước lũ rút để nhanh chóng ổn định đời sống.
Đối với các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ phối hợp với địa phương, Công ty Điện lực Hà Nam và Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam để xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các doanh nghiệp.
Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thành lập 6 tổ công tác với 106 cán bộ công an cấp phòng và huy động trên 800 chiến sĩ công an chính quy cấp xã cùng 1.600 thành viên lực lượng bảo đảm an ninh trật tự.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động 228 đồng chí thường trực, 978 dân quân, 8 xe ô tô và 1 xuồng ST660 để hỗ trợ ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Thanh Liêm và Lý Nhân.