Hà Nội: 260 kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp giữa năm của HĐND TP

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Những kiến nghị của cử tri gửi tới các ngành chức năng của TP trước Kỳ họp thứ 7 - Kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND TP tập trung vào các lĩnh vực kinh tế; quy hoạch, quản lý - phát triển đô thị; giao thông-vận tải, nông nghiệp; giáo dục, y tế; cơ chế chính sách...

Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp 260 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới T.Ư, TP trước Kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 HĐND TP. Đáng chú ý, những kiến nghị của cử tri gửi tới UBND TP tập trung vào các lĩnh vực kinh tế; quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị; giao thông vận tải, tài nguyên môi trường; nông nghiệp, nông thôn; giáo dục, y tế; tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách...

Đề nghị có cơ chế đặc thù phục hồi phát triển kinh tế

Trong các kiến nghị lĩnh vực kinh tế, cử tri nhiều quận, huyện như Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Oai, Phúc Thọ kiến nghị TP sớm có các cơ chế đặc thù để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, cũng như có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các DN để phát triển sản xuất khi giá xăng dầu, và các chi phí đầu vào sản xuất tăng cao.

Theo cử tri huyện Gia Lâm, thủ tục thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể (giá đầu đi và đầu đến) của các sở, ngành liên quan đã có quy định, hướng dẫn (thời gian thực hiện là 32 ngày hành chính) nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kéo dài (thường tới 5-6 tháng, có những dự án kéo dài hơn 1 năm) dẫn đến tiến độ thực hiện GPMB chậm. Vì vậy, TP cần quan tâm, xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất cụ thể.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi với các cán bộ, cử tri quận Hoàn Kiếm tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND TP (Đơn vị bầu cử số 2) trước Kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi với các cán bộ, cử tri quận Hoàn Kiếm tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND TP (Đơn vị bầu cử số 2) trước Kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

Cử tri các quận, huyện Long Biên, Hoài Đức, Ba Vì đề nghị sớm xem xét về giá đền bù đối với đất ao, đất vườn liền kề là 252.000 đồng/1m2, đất nông nghiệp là 162.500 đồng/m2, giá đất ở nông thôn… quá thấp so với giá của thị trường, đang gây khó khăn trong công tác đền bù GPMB và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Cử tri huyện Hoài Đức đề xuất TP xem xét, quyết định để lại tiền đấu giá QSD đất nông nghiệp công ích (giao đất hoặc cho thuê đất) cho UBND cấp xã để tổ chức quản lý, tạo điều kiện hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách (hiện tại số tiền này được hạch toán vào ngân sách huyện).

Còn theo cử tri huyện Đông Anh, hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo Quyết định 54/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND TP là 3.000 đồng/người/ tháng đối với khu vực ngoại thành thực tế không đủ cân đối cho công tác duy trì VSMT ngõ xóm, nên đề nghị TP xem xét sớm điều chỉnh mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cân đối thu chi và duy trì VSMT.

Nhiều kiến nghị về quy hoạch, giao thông

Trong lĩnh vực quy hoạch (QH), quản lý và phát triển đô thị, cử tri một số quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm kiến nghị TP quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý QH kiến trúc, cảnh quan, đảm bảo các đồ án QH, các dự án khu đô thị, công trình xây dựng phù hợp các chỉ tiêu QH phân khu đô thị. Đồng thời, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của QH, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh QH làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng; giảm thiểu lấp ao, hồ.

Cử tri quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đề nghị TP tổ chức rà soát lại toàn bộ chung cư cũ cần tiến hành xây dựng lại, chia ra thành các nhóm để từ đó có lộ trình triển khai thực hiện.

Phản ánh việc giải quyết úng ngập ở Hà Nội không được như kỳ vọng, cử tri các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Long Biên, Nam Từ Liêm đề nghị xem xét lại công tác quản lý, có giải pháp tổng thể chống ngập úng, quan tâm đầu tư hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.

Cử tri quận Bắc Từ Liêm đề xuất TP kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh chiều cao tầng đối với công trình nhà ở riêng lẻ tại các khu nhà ở hiện có (nằm ngoài khu vực bảo tồn, khu vực di tích lịch sử-văn hóa, phù hợp về mục đích sử dụng đất theo QH phân khu) để tạo điều kiện cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn về nhà ở.

Liên quan các dự án giao thông vận tải, cử tri huyện Chương Mỹ đề nghị TP phân cấp cho cấp huyện xác định chỉ giới đường đỏ và số liệu hạ tầng kỹ thuật để đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư các dự án trên địa bàn huyện; xem xét, giao nhiệm vụ toàn diện cho cấp huyện thực hiện công tác GPMB các dự án trên địa bàn. Cử tri huyện Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây đề nghị TP quan tâm chỉ đạo sớm triển khai dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 21 đoạn từ nút giao Đại Lộ Thăng Long đến thị xã Sơn Tây.

Cử tri phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP trước Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI
Cử tri phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP trước Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI

Riêng trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, cử tri huyện Mỹ Đức cho rằng, hiện TTHC đề nghị các sở, ngành TP thẩm định trong công tác đấu giá QSD đất ở đối với cấp huyện mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ triển khai đấu giá QSD đất của cấp huyện, nên đề nghị xem xét giảm thời gian giải quyết TTHC đối với các thủ tục trên, tạo điều kiện cho cấp huyện đẩy nhanh tiến độ đấu giá QSD đất.

Tiếp tục quan tâm hơn tới cán bộ cơ sở

Đề cập lĩnh vực tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, cử tri nhiều quận, huyện như Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Mê Linh đề nghị TP tiếp tục quan tâm, xem xét có cơ chế đặc thù hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tại các thôn, tổ dân phố.

Cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị TP có quy định và hướng dẫn cụ thể trong việc bố trí các chức danh, nguồn kinh phí hỗ trợ đối với các chức danh: Cán bộ thú y do trạm thú y của huyện điều động về xã đảm nhiệm (trước đây được hưởng hệ số là 2,34 và được đóng BHXH, nhưng đến nay hệ số chỉ còn 1,86 và bị cắt bảo hiểm; cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi ở xã (trước được hưởng phụ cấp 1.0, đến nay cũng cắt bỏ).

Liên quan việc thực hiện Đề án 21-ĐA/TU ngày 16/9/2019 của Thành ủy, các cử tri đề nghị TP có đánh giá kết quả thực hiện việc bố trí 2 người kiêm nhiệm 3 chức danh cán bộ không chuyên trách tại tổ dân phố. Bởi hiện việc thực hiện kiêm nhiệm rất khó khăn vì đa số cán bộ tuổi cao, hạn chế trình độ CNTT, khó đáp ứng tốt yêu cầu công tác. Cử tri huyện Quốc Oai đề nghị TP xem xét bổ sung 1 phó trưởng thôn đối với những thôn có trên 1.000 người dân. Trong khi, cử tri huyện Thanh Oai đề nghị có giải pháp cụ thể hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên cho MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở.

Qua thời gian Hà Nội thí điểm thực hiện chính quyền đô thị, cử tri một số quận đề nghị TP sớm có hướng dẫn cụ thể đối với công tác tài chính của Đảng và các đoàn thể tại phường (hiện bố trí kinh phí hoạt động của Đảng ủy, các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội của phường qua ngân sách UBND phường), tạo chủ động và thuận lợi hơn khi thực hiện nhiệm vụ chi các hoạt động của Đảng ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở phường.

Còn theo cử tri huyện Phúc Thọ, hiện tình trạng bỏ việc của đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng và bảo vệ trường học công lập đang tăng do mức lương thấp, TP cần xem xét có chính sách chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này để họ yên tâm công tác.