Hà Nội: 6 tháng, hòa giải thành công 1.577 vụ việc

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã tiếp nhận tổng số 2.098 vụ việc hòa giải, đã hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, 145 vụ việc đang hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,75%).

Một buổi giao ban công tác hòa giải được tổ chức tại UBND phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân)

UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 177/BC-UBND gửi Bộ Tư pháp về sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2021.

Trong đó, UBND thành phố đã tổ chức rà soát, tổng hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Thành phố rà soát 52 nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung trong tổng số 42 văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, gồm 11 luật; 18 nghị định; 13 thông tư có vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo...

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, toàn thành phố hiện có 4.975 tổ hòa giải với tổng số 32.075 hòa giải viên, trong đó có 2.637/4.975 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 53%).

Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã tiếp nhận tổng số 2.098 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), đã hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, 145 vụ việc đang hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,75%).

Về kết quả thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có 558/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37%. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.

Thời gian còn lại của năm 2021, Hà Nội chú trọng thực hiện tốt giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công dân; triển khai hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; thực hiện nghiêm thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... Qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước.

Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực, đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc của ngành Tư pháp Thủ đô.