Theo đó, học sinh các khối 5, 6, 9, 10 và 12 ở 18 huyện, thị xã ngoại thành (gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Sơn Tây) - nơi có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong vòng 14 ngày tính đến ngày 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng, đáp ứng tiêu chí an toàn sẽ được đi học trực tiếp; các khối còn lại học trực tuyến; cấp mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà...
|
Các trường học vệ sinh, khử khuẩn theo hướng dẫn để đáp ứng tiêu chí an toàn |
Đối với các trường học được mở cửa trở lại, UBND TP Hà Nội cũng thống nhất 7 nguyên tắc thực hiện cụ thể.
Một là, học sinh đi học theo từng địa bàn xã/phương/thị trấn tại những nơi được xác định cấp độ dịch cấp độ 1, cấp độ 2 tại 18 huyện, thị xã. Những trường có học sinh ở nhiều địa bàn khác nhau thì nhà trường phải xác định, nắm rõ thông tin của học sinh , cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú.
Hai là, trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành số 3668/HDLN: SGDĐT-SYT ngày 25/10/2021 của GD&ĐT và Sở Y tế.
Ba là, các trường có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy, giáo viên chưa tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng chống Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.
Bốn là, các địa phương, trường học cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh trước, trong, sau khi đến trường theo đúng Hướng dẫn Liên ngành. Học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: “Một cung đường, hai điểm đến”; phụ huynh học sinh bảo đảm tiêm vaccine ít nhất 01 mũi đạt trên 90%.
Năm là, các trường được phép mở cửa không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 01 buổi/ngày, tổ chức dạy học luân phiên đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý với những nội dung giảng dạy, đạt hiệu quả cao nhất.
Sáu là, việc cho học sinh trở lại trường học cần phải phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thận trọng, lấy địa bàn cấp xã, phường, thị trấn để đánh giá và xây dựng tiêu chí, làm từng bước thận trọng nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe cho giáo viên và học sinh. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 cấp huyện, thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc.
Bảy là, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, tại địa phương (xã/phường/thị trấn) nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Hiện các phòng GD&ĐT 18 huyện, thị xã đã gửi văn bản yêu cầu trường học trên địa bàn tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn liên ngành. Đồng thời báo cáo, cập nhật tiến độ tiêm phủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của cán bộ, giáo viên đến thời điểm hiện tại và đến ngày 7/11 - trước thời điểm học sinh đến trường để lấy cơ sở căn cứ đánh giá mức độ an toàn trường học.
Về phía các trường học đều trong tinh thần sẵn sàng; tuy nhiên vẫn chờ hướng dẫn cụ thể và quyết định của UBND huyện, thị xã cho mở cửa trường học trở lại. Khi có quyết định chính thức, nhà trường mới thông báo đến phụ huynh và học sinh.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, trên địa bàn TP có khoảng 3,2 triệu sinh viên, học sinh các cấp. Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đạt cao (98,5% tiêm mũi 1; trên 62% tiêm mũi 2, một số huyện đạt trên 80%). Qua khảo sát ý kiến, có 78,5% phụ huynh học sinh mong muốn con em được trở lại trường học. |