Theo thống kê của Chi Cục Bảo vệ môi trường tại 10 trạm quan trắc tự động trên địa bàn TP, có 9 điểm chỉ số CLKK (AQI) ở mức tốt và 1 điểm ở mức trung bình (AQI là 52) – mức CLKK ở mức chấp nhận được, song vẫn có tác động nhất định đến sức khỏe của những người nhạy cảm.
Đường Phạm Văn Đồng là khu vực có chỉ số chất lượng không khí kém nhất trong ngày 26/9. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, 9 khu vực có AQI ở mức tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân gồm: Trạm Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) AQI là 46; Trạm Thành Công (quận Ba Đình) và Chi Cục Bảo vệ môi trường (quận Cầu Giấy) AQI là 44; Trạm Hoàn Kiếm AQI là 34; Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) AQI là 28; Trạm Kim Liên (quận Đống Đa) AQI là 26; Trạm Tân Mai (quận Hoàng Mai) là 24; Trạm Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) là 18 và trạm Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) có AQI thấp nhất là 12.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, trong thời gian qua, nhằm cải thiện CLKK tại Thủ đô, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân, dừng hoạt động của phương tiện không đạt tiêu chuẩn về khí thả… Song, về lâu về dài, Hà Nội cần sớm di dời các nhà máy ra khỏi nội đô, xử lý nghiêm các cơ sở phát sinh khí thải vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong; Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống…