Theo Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, thời gian qua, thương mại điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối hiện đại và là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng là kẽ hở cho việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…
Theo đó, chỉ tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.513 vụ việc vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; khởi tố hình sự 10 vụ đối với 20 đối tượng; phạt hành chính trên 530,9 tỷ đồng.
Ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều sự thay đổi trong chính sách để kiểm soát tốt hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, đã có quy định thắt chặt hơn đối với việc quản lý các website thương mại điện tử bán hàng, các trang mạng xã hội có hình thức chào bán, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng không tránh khỏi còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực như tình trạng chào bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa có nguy cơ không bảo đảm an toàn sử dụng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
“Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, chúng tôi gặp rất nhiều thách thức, khó khăn. Đơn cử như các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok... Các hoạt động này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng, nhất là các đối tượng thường thuê căn hộ chung cư vừa làm nhà ở, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa. Các khu vực này thường có an ninh, bảo mật cao gây khó khăn cho công tác tiếp cận trinh sát” - ông Trần Việt Hùng cho hay.
Theo ông Trần Việt Hùng, hoạt động thương mại điện tử dựa trên hạ tầng về công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng ẩn đi, xóa đi chứng cứ rất nhanh, gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ.
Ngoài ra, đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp. Người mua, người bán trao đổi qua tin nhắn cá nhân; hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân. Hơn nữa, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tìm nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường phải phối hợp tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng.
Ông Trần Việt Hùng cho hay, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường định hướng thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung. Đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử cho công chức quản lý thị trường...
Đồng thời, chỉ đạo các đội quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thương mại điện tử; qua đó, vừa khuyến cáo, vừa xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng.