Hà Nội: Ban hành Chỉ thị về tăng cường giải ngân kế hoạch đầu tư công

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 21/7, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 21/7/2022 về tăng cường thực hiện, giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giao ban hằng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thành ủy, HĐND TP, UBND TP quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao, thường xuyên, liên tục để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án và tỷ lệ giải ngân.

Theo nhận định của UBND TP, đến nay, các đơn vị đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện còn chưa chặt chẽ; kỷ luật trong công tác đầu tư công chưa nghiêm nên vẫn có một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thực hiện, dẫn đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch của toàn Thành phố.

Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố từ đầu năm đến ngày 30/6/2022 đạt 10.777 tỷ đồng, bằng 21,1% kế hoạch giao, trong đó cấp Thành phố giải ngân đạt 18,3% kế hoạch và cấp huyện (gồm vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách Thành phố hỗ trợ) đạt 23,4% kế hoạch. Đây là mức giải ngân thấp, không đạt được kết quả theo yêu cầu của Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP và UBND TP.

Ngoài ra, đối với kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài, theo quy định sẽ chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2022, nhưng đến 30/6/2022, tỷ lệ giải ngân cũng rất thấp: Đối với ngân sách cấp Thành phố, mới giải ngân được 109,3 tỷ đồng, đạt 8,76%. Đối với ngân sách cấp huyện, giải ngân được 342,7 tỷ đồng, đạt 24,33%.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao là nhiệm vụ chính trị, cấp bách cần phải quan tâm, thực hiện trong 6 tháng cuối năm theo đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP và HĐND TP trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP và UBND TP.

Trong Chỉ thị, UBND TP yêu cầu,  ngoài thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định từ đầu năm; tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 06 Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. UBND TP yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành TP, các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công.

Các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm và đột xuất về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công theo đúng thời gian, nội dung và các biểu mẫu quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức giao ban hằng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ và Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 10/2/2022 của UBND Thành phố về “Quy định phân công tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư của thành phố Hà Nội”.

UBND TP giao các chủ đầu tư nghiên cứu các giải pháp có tính căn cơ, tính đột phá để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài của các dự án được giao (đạt tỷ lệ 100%) theo quy định của Luật Đầu tư công.

Xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, chủ đầu tư

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90% kế hoạch.

Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND TP xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp. 

Dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những dự án được TP Hà Nội tập trung để bảo đảm tiến độ đề ra. Ảnh: Vũ Thành
Dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những dự án được TP Hà Nội tập trung để bảo đảm tiến độ đề ra. Ảnh: Vũ Thành

TP giao Sở TNMT đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB; tổng hợp, tham mưu giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị về công tác GPMB. Tiếp tục nghiên cứu, chủ động đề xuất, tham mưu UBND Thành phố các quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nội dung phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo điều kiện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án.

Sở QH-KT chủ trì hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ giới đường đỏ, sớm thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án.

Công an Thành phố hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên đến cấp phép phòng cháy chữa cháy cho các dự án.

Các sở chuyên ngành hướng dẫn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị, sớm thẩm định, trình phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để sớm khởi công công trình. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tham mưu cho UBND Thành phố và Chính phủ, Bộ ngành Trung ương kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực dầu tư, xây dựng cơ bản.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở chuyên ngành tổ chức thẩm định; hướng dẫn điều chỉnh các dự án (nếu có), điều chỉnh dự toán giá gói thầu để các dự án kịp thời được hoàn thiện thủ tục, tiếp tục thực hiện không bị gián đoạn, đảm bảo tiến độ.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng (đơn giá trực tiếp), hướng dẫn tính toán đơn giá vận chuyển đảm bảo phù hợp mặt bằng giá thị trường; đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn, trường hợp cần thiết, công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn.

UBND các quận, huyện, thị xã phải nỗ lực triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân cả dự án cấp Thành phố và cấp huyện khi được Thành phố phân cấp mạnh và giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án cấp Thành phố.

Tại mỗi đơn vị, phân công các đồng chí lãnh đạo theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân từng dự án theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; kịp thời báo cáo UBND TP đối với các nhiệm vụ vượt thẩm quyền.

Triển khai tốt công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp Thành phố trên địa bàn do các Ban quản lý dự án của Thành phố làm chủ đầu tư. Cân đối bố trí ngân sách huyện đối ứng với ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện, trong đó cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án xác định là sẽ hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của Thành phố. Tuyệt đối không để xảy ra việc nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn, vướng mắc khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án. Chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án.

Lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết với Thành phố kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thành phố kết quả giải ngân các dự án, hoàn thành trước ngày 5/8/2022.

Nâng cao tính chủ động trong việc phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để xử lý các khó khăn, vướng mắc với các dự án được giao làm chủ đầu tư.

Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án, tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản, tránh việc chậm, kéo dài thời gian thực hiện dự án làm phát sinh chi phí đối với dự án do thay đổi giá cả nguyên vật liệu, nhân công và để tiết kiệm chi phí dự phòng của dự án.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố để có đủ thủ tục đề xuất bố trí vốn thực hiện dự án trong kế hoạch vốn năm 2022 và 2023. Đồng thời, sớm hoàn thiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đối với các dự án có thời gian thực hiện đến hết năm 2022 nhưng không hoàn thành theo tiến độ để đủ điều kiện bố trí vốn năm 2023. Thành phố chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, các chủ đầu tư đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án thực hiện “Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của Thành phố” để đủ điều kiện xem xét, bố trí vốn ngân sách Thành phố vào kỳ họp HĐND TP tháng 9/2022.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần