Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo Quyết định số 3698/QĐ-UBNDTP do Chủ tịch Chu Ngọc Anh ký, danh mục mua sắm tập trung của TP bao gồm: Máy tính (máy tính để bàn, máy tính xách tay); máy in; máy photocopy; máy scan.
Danh mục tài sản mua sắm tập trung này được áp dụng để đơn vị mua sắm tập trung của TP tổ chức mua sắm theo quy định. Việc mua sắm tập trung đối với tài sản thuộc Danh mục được áp dụng theo cách thức ký thỏa thuận khung.
Đối với xe ô tô chuyên dùng cứu thương, máy điều hòa nhiệt độ, bàn ghế học sinh, máy chiếu, màn chiếu mua sắm tập trung mà UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung thì tiếp tục triển khai thực hiện quy trình đến khi kết thúc hợp đồng mua sắm theo quy định.
Các chuyên gia cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một mục quy định về mua sắm tập trung để áp dụng rộng rãi. Theo đó, thay vì tổ chức mua sắm ở hàng trăm cơ quan khác nhau, cơ quan mua sắm tập trung chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp. Cách thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Mục tiêu chính của mua sắm tập trung là nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, trong sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm tài sản, hàng hoá được trang bị đồng bộ, hiện đại phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tài chính công, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong các hoạt động của cơ quan nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong mua sắm, trang bị và sử dụng tài sản nhà nước.
Ngoài ra, hiệu quả của việc mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt hơn, đảm bảo giá được thống nhất, tương đồng về kỹ thuật, việc sử dụng tài sản đạt hiệu quả cao, hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng tài sản và chủ động hơn về nguồn cung trong thời gian ổn định.