Tại Kỳ họp thứ 9 mới đây, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã thông qua 3 nghị quyết về mức học phí tại cơ sở giáo dục công lập, cơ chế hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 và mức hỗ trợ công chức, viên chức, lao động hợp đồng (CC, VC, LĐHĐ) lĩnh vực y tế. Trong bối cảnh đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, những nghị quyết này một lần nữa thể hiện tính nhân văn cao trong việc ban hành chính sách của TP Hà Nội.
Luôn ưu tiên cho giáo dục
Theo Thường trực HĐND TP, hiện cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế Hà Nội từng bước phục hồi, nhưng giá một số mặt hàng có xu hướng tăng gây ảnh hưởng đời sống Nhân dân, tác động lớn tới người dân khu vực khó khăn, miền núi, hộ nghèo, một số đối tượng yếu thế khác. Với mục tiêu bớt gánh nặng tài chính cho một số phụ huynh học sinh (HS), người dân, để có cơ sở pháp lý bố trí nguồn ngân sách triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ học phí trên địa bàn TP năm học 2022-2023, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non (MN) và HS phổ thông của TP Hà Nội năm học 2022-2023.
Theo đó, đối tượng áp dụng là trẻ em MN và HS phổ thông đang theo học cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông công lập của Hà Nội trên địa bàn các xã miền núi; trẻ em MN và HS phổ thông thuộc đối tượng được giảm học phí theo khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 đang theo học tại các cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông của Hà Nội; học viên thuộc đối tượng được giảm học phí theo khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định 81/2021/NĐ-CP đang theo học các trung tâm GDNN-GDTX theo chương trình giáo dục phổ thông của Hà Nội; cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX của Hà Nội có đối tượng theo học quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.
Cùng đó, theo Nghị quyết số 17/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 quy định mức học phí với cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội năm học 2022-2023, cũng để đảm bảo an sinh xã hội, nhằm chia sẻ khó khăn, bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, người dân, HĐND TP quyết nghị mức học phí thực tế HS phải nộp năm học này bằng mức thực tế HS đã nộp năm học 2021-2022 với từng cấp học, từng vùng; mức học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức trên. Ngân sách TP sẽ thực hiện cấp phần chênh lệch giữa mức học phí quy định tại Điều 2 và mức thực tế HS phải nộp quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này cho cơ sở giáo dục MN, giáo dục phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX công lập thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của TP.
Ước tổng ngân sách TP bù vào phần hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng. Cơ chế miễn học phí cho các đối tượng theo quy định cũng có kinh phí ngân sách hơn 17 tỷ đồng. HĐND TP đã giao UBND TP chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, nâng cao chất lượng dạy-học, không để lạm thu, dạy thêm, học thêm không đúng quy định; công tác thu-chi tài chính minh bạch, sử dụng đúng mục đích.
Với 2 nghị quyết này, đây là năm học thứ hai liên tiếp, Hà Nội không tăng học phí và hỗ trợ 50% mức thu học phí cho trẻ MN, HS phổ thông; đồng thời, mở rộng thành phần miễn giảm 100% học phí với HS diện yếu thế, gia đình chính sách, khó khăn. Điều này thể hiện tính nhân văn trong ban hành chính sách và một lần nữa khẳng định quan điểm của TP luôn ưu tiên cho giáo dục.
Trong năm học 2021-2022, để chia sẻ khó khăn với người dân do dịch Covid-19, TP cũng không tăng học phí và HĐND TP đã thông qua Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ 50% mức học phí (theo mức quy định với trường công lập) cho trẻ MN và HS phổ thông, với số tiền 893 tỷ đồng. Lộ trình thông thường, tăng học phí năm học 2022-2023 là yêu cầu phải thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP để từng bước nâng chất lượng giáo dục, nhưng trước thực tế đời sống người dân vẫn nhiều khó khăn sau 2 năm Covid-19, để đảm bảo an sinh xã hội HĐND TP tiếp tục thực hiện chính sách học phí năm học 2022-2023 như năm học trước (gồm cả hỗ trợ 50% học phí) và hỗ trợ 100% học phí cho HS khu vực miền núi, HS thuộc đối tượng được giảm học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Kịp thời động viên lực lượng y tế
Theo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ, động viên đối với CC, VC, LĐHĐ lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP vừa được ban hành, HĐND TP đã quyết định dành ngân sách 250 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP. Trong đó, hỗ trợ 10 triệu đồng cho người làm trực tiếp chuyên môn y tế tại các bệnh viện (BV) và trung tâm (TT) y tế, TT kiểm soát bệnh tật, TT cứu 115, các TT kiểm nghiệm thuốc, dược phẩm, thực phẩm. Người không làm trực tiếp chuyên môn mà làm quản lý hoặc hành chính ở các đơn vị trên được hỗ trợ 7 triệu đồng. Mức hỗ trợ này cũng dành cho cá nhân làm trực tiếp chuyên môn tại TT giám định y khoa, TT pháp y, TT tư vấn DS-KHHGĐ, chi cục DS-KHHGĐ, chi cục ATVSTP. Người làm quản lý hoặc hành chính nhận mức 5 triệu đồng. Với VC, NLĐ thuộc các phòng nghiệp vụ y, kế hoạch tài chính, văn phòng trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, mức hỗ trợ dự kiến 10 triệu đồng. Cán bộ phòng nghiệp vụ dược, tổ chức cán bộ, quản lý hành nghề y dược tư nhân và Thanh tra Sở được hỗ trợ 7 triệu đồng. Nghị quyết cũng đưa ra mức hỗ trợ 7 triệu đồng cho nhân viên y tế thuộc phòng y tế cấp huyện.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, TP ban hành Nghị quyết này đã kịp thời ghi nhận, động viên và thể hiện trân trọng của TP, Nhân dân trước sự đóng góp, cống hiến của CC, VC, LĐHĐ lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP Hà Nội trong công tác phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Việc ban hành Nghị quyết cũng phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch của TP về nâng cao chất lượng nhân lực lĩnh vực y tế. Ngoài những chế độ chính sách đã có, đây là chính sách mới, đặc thù của TP nhằm kịp thời thu hút và giữ chân CC, VC, LĐHĐ lĩnh vực y tế làm việc tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc TP...
Về nghị quyết này, Giám đốc BV Đa khoa Đống Đa Phạm Bá Hiền chia sẻ, cùng với những chính sách mang tính vĩ mô để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế, Hà Nội đã chủ động có chính sách đãi ngộ kịp thời, phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế, nhằm ghi nhận cống hiến của lực lượng này trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân nói chung và phòng chống dịch nói riêng, đặc biệt dịch Covid-19. Đây chính là nguồn khích lệ họ gắn bó, tiếp tục cống hiến cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng quan điểm đó, theo lãnh đạo BV Đa khoa Đức Giang, anh chị em ngành y rất phấn khởi vì được TP động viên kịp thời trong giai đoạn chống dịch vừa qua. Đây là nguồn động viên lực lượng y tế sẵn sàng bước vào cuộc chiến mới trong giai đoạn chống dịch tiếp theo.
Các chuyên gia trong ngành cũng đánh giá, chính sách này cho thấy TP Hà Nội rất quan tâm cán bộ y tế ở thời điểm hiện nay và thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua, là cố gắng của TP, bởi số cán bộ, nhân viên y tế được hỗ trợ rất lớn.
Từ đó, nhiều chuyên gia và cán bộ, nhân viên ngành y bày tỏ, để thực sự có tác dụng khuyến khích nhân lực y tế, trước tình trạng đang thiếu nhân lực ở cơ sở, đòi hỏi Hà Nội có chính sách hỗ trợ lâu dài mới “kéo” được cán bộ y tế về tuyến cơ sở. Trong đó, cần hỗ trợ đào tạo, chi thù lao và có thể tăng lương, hỗ trợ phụ cấp hằng tháng. Mấu chốt nữa là có cơ chế riêng cho y tế dự phòng lâu dài, liên tục, với chính sách “mở” và nâng phụ cấp thường xuyên lên, vì đặc thù y tế dự phòng không được cấp chứng nhận hành nghề nên không có cơ hội làm thêm tăng thu nhập.
Theo đông đảo người dân, đại biểu HĐND TP và chuyên gia, cán bộ ngành giáo dục, y tế, việc ban hành các nghị quyết này một lần nữa thể hiện chính sách ưu việt và là đặc thù riêng của Hà Nội, sẽ giúp giảm gánh nặng cho người thu nhập thấp, người sống ở vùng điều kiện KT-XH khó khăn khi giá cả leo thang; càng thể hiện quan tâm của TP với các lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế, đã nhận được đồng tình cao của cả đại biểu và cử tri. Song để chính sách nhân văn đến đúng đối tượng thụ hưởng, rất cần được tổ chức thực hiện bài bản, minh bạch từ các cấp, ngành và vào cuộc giám sát của các đại biểu.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, những nghị quyết vừa được HĐND TP thông qua, nhất là cơ chế, chính sách lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo mang ý nghĩa rất thiết thực, tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống Nhân dân Thủ đô. Đây chính là cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh, thúc đẩy KT-XH, đảm bảo AN-QP của TP. “Đề nghị UBND TP tập trung tổ chức thực hiện chính sách, tăng thanh, kiểm tra việc thực hiện đảm bảo kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng, quy định. Các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai khẩn trương, đồng bộ các giải pháp đảm bảo nghị quyết vào cuộc sống đạt hiệu quả thiết thực. Thường trực, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP tăng cường giám sát”- Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.