Hà Nội ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước với hoạt động của KCN

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Quyết định số 32/2017/QĐ-UBND ban hành "Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn TP Hà Nội".

Theo đó, quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung, lĩnh vực phối hợp và trách nhiệm phối hợp giữa Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) với các cơ quan chuyên môn cùng các ngành và UBND các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) có khu công nghiệp trên địa bàn TP trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
 Dây chuyền lắp ráp hàng điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải.
Các hoạt động khác có liên quan đến công tác quản lý nhà nước đổi với khu công nghiệp không qụy định trong Quy chế này được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

Đối tượng áp dụng là ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; các cơ quan quản lý chuyên ngành; UBND cấp huyện có khu công nghiệp trên địa bàn; các tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc liên quan đến quản lý và hoạt động của khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Ban Quản lý là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước đối với hoạt động của các KCN trên địa bàn. Các Sở, ngành; quận, huyện, thị xã khi triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại các KCN có trách nhiệm phối hợp và lấy ý kiến tham gia của Ban Quản lý, đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về KCN thống nhất, tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và phân công trách nhiệm giữa Ban Quản lý, các cơ quan quản lý chuyên ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị, tổ chức có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động của các KCN.

Việc phối hợp quản lý nhà nước thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Sở, ngành và UBND cấp huyện. Trong quá trình phối hợp, không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và không cản trở công việc của mỗi cơ quan. Nội dung cần phối hợp là những nội dung mà các quy định hiện hành về quản lý nhà nước đối với hoạt động của các KCN chưa được đề cập hoặc có đề cập nhưng trong quá trình thực hiện còn chồng chéo, bất cập.

Các cơ quan tham gia công tác phối hợp phải cử người có đủ năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về thời gian, địa điểm, công việc phối hợp và chịu trách nhiệm về nội dung phối hợp do đơn vị thực hiện.