Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, danh thắng

Kiều Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND, ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, Quy chế bao gồm 5 chương, 22 điều, quy định hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên thuộc danh mục kiểm kê di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP Hà Nội. Quy chế này áp dụng đối với sở, ban, ngành thuộc UBND TP; UBND quận, huyện, thị xã; UBND phường, xã, thị trấn; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP.
UBND TP thực hiện việc quản lý nhà nước đối với toàn bộ di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của TP; Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm tham mưu UBND TP thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn Thành phố; UBND cấp huyện thực hiện việc quản lý nhà nước về di tích trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ được phân công.
UBND cấp huyện phân công UBND cấp xã thực hiện quản lý di tích trên địa bàn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, khả năng cụ thể của mỗi địa phương và thẩm quyền, trách nhiệm của cấp xã theo quy định pháp luật. Đối với di tích quốc gia đặc biệt, việc quản lý do UBND cấp huyện quyết định, phù hợp quy định pháp luật; trong thành phần tham gia quản lý phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn về di tích.
Phòng Văn hóa và Thông tin chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn huyện; UBND cấp xã quyết định thành lập Ban quản lý di tích hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm căn cứ đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, số lượng di tích, sau khi có thỏa thuận bằng văn bản của Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện về thành phần nhân sự.
UBND TP quản lý các di tích tiêu biểu, gồm: Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích cổ Loa, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di tích tưởng niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc - Hà Đông; Di tích nhà tù Hỏa Lò; Di tích 48 Hàng Ngang; Di tích 5 Hàm Long; Di tích 90 Thợ Nhuộm; Cụm di tích Hồ Hoàn Kiếm - Đền Ngọc Sơn - Tượng đài Vua Lê; Di tích Đền Bà Kiệu và các di tích khác do UBND TP quyết định; UBND cấp huyện quản lý di tích còn lại trên địa bàn, trừ di tích được quy định tại khoản 1 Điều này và di tích do Bộ, ngành ở Trung ương quản lý; UBND cấp xã thực hiện quản lý theo phân công của UBND cấp huyện.
Giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan đầu mối, tham mưu UBND TP chỉ đạo công tác quản lý di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP; Trình UBND TP dự thảo quyết định, chỉ thị; quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, đề án, dự án, chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về các hoạt động thuộc lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP; Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình về di tích sau khi được phê duyệt; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, bảo vệ và sử dụng các di tích trên toàn thành phố; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về di tích; khen thưởng và xử lý vi phạm về di tích theo quy định; Hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức đón bằng xếp hạng; xây dựng nội quy, nội dung bảng giới thiệu giá trị di tích; chuyên môn nghiệp vụ đối với các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tu sửa cấp thiết di tích và các dự án tu bổ di tích thuộc cấp huyện quản lý sau khi được phê duyệt...