Hà Nội: Bánh chưng bán chậm vì nóng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá bánh chưng tại Hà Nội những ngày cận Tết cũng tăng cao, song sức mua vẫn ở mức thấp do thời tiết nắng nóng bất thường.

KTĐT - Giá bánh chưng tại Hà Nội những ngày cận Tết cũng tăng cao, song sức mua vẫn ở mức thấp do thời tiết nắng nóng bất thường.

Cặp bánh chưng nặng tầm 4kg nếu năm ngoái chỉ khoảng 120.000-130.000 đồng thì Tết năm nay, người tiêu dùng TP HCM phải mua với giá gần gấp đôi. Giá bánh tại Hà Nội cũng tăng cao, song sức mua chậm vì trời nắng nóng bất thường.

Định mua cặp bánh chưng để biếu người thân, song chị Hà ở quận Gò Vấp, giật mình khi người bán kêu giá 200.000 đồng cho một cặp chỉ khoảng 4 kg. Người bán còn khuyến cáo: "Hôm nay giá này, nhưng ngày mai đến hỏi có thể đã thay giá khác cao hơn".

Các cơ sở nhận đặt bánh Tết năm nay than vãn, do giá nguyên liệu đầu vào đều tăng mạnh, từ nếp, đậu xanh, gia vị, thịt cho đến lá dong, dây lạc, đắt hơn 20-40% so với năm ngoái nên bắt buộc giá thành sản phẩm phải đội lên. "Do khó lường được biến động giá những ngày sắp tới, nên giá bánh cũng sẽ thay đổi theo thị trường", 5 năm liền nhận làm bánh chưng cho khách, chị Trang, quận Tân Bình chia sẻ.

Hà Nội: Bánh chưng bán chậm vì nóng - Ảnh 1
Giá bánh chưng năm nay ở TP HCM tăng gần gấp đôi năm ngoái. Ảnh: B.H.

Mặc dù giá bán có tăng nhưng sức mua không vì thế mà giảm đi, thậm chí lên cao vào những ngày cận Tết. Bởi người tiêu dùng không còn do dự chọn nơi đặt hàng, khi mà giá ở nơi nào cũng xấp xỉ như nhau.

Trong khi đó, để tiết kiệm chi phí lá gói, lạt buộc, thời gian nấu... một số nơi cho biết năm nay nấu bánh có trọng lượng 2 kg nhiều hơn, thay vì 1-1,5 kg như mọi năm. Tương tự, giá bánh tét tại các chợ cũng nhích 30-40% so với Tết năm ngoái, tương đương 45.000 đồng một kg bánh nhân thịt.

Còn người tiêu dùng, như chia sẻ của một bà nội trợ: "Dẫu giá tăng chóng mặt nhưng một năm chỉ có ba ngày Tết, cũng phải mua bánh để có hương vị ngày Tết". Hơn nữa, để nấu được bánh chưng theo đúng kiểu người Bắc không phải dễ, nên năm nào chị cũng đặt bánh, vừa để cúng kiếng đầu năm, vừa để biếu tặng bạn bè lấy lộc trong năm mới.

Giá bánh chưng tại Hà Nội những ngày cận Tết cũng tăng cao, song sức mua vẫn ở mức thấp do thời tiết nắng nóng bất thường. Một chiếc loại nhỏ dao động 25.000-35.000 đồng, bánh lớn hơn chừng 45.000-50.000 đồng. Ngoài ra, các cửa hàng còn linh hoạt nhận đặt theo giá khách hàng đề nghị.

Do thời tiết nắng nóng, một số hộ gia đình đã lui lại việc sắm bánh chưng, chờ cho đến giáp Tết mới mua. Hơn nữa, nhiều gia đình giờ chỉ mua bánh là do phong tục chứ không vì nhu cầu ăn uống nữa. Chị Thoa ở Cầu Giấy cho hay: "Năm ngoái đặt nhiều bánh, nhưng chẳng ai ăn, cuối cùng phải bỏ đi, rút kinh nghiệm, năm nay nhà chỉ mua 1 cặp bánh, đủ để thắp hương các cụ."

Sức mua thấp khiến doanh số của nhiều đại lý bánh chưng ở các chợ lớn giảm đáng kể, lượng hàng xuất ra từ các làng nghề cũng giảm. Chị Tâm, một đại lý bán bánh chưng ở chợ Đồng Xuân cho biết năm ngoái, gần Tết thời tiết lạnh, người đặt mua bánh chưng nhiều, mỗi ngày bán được vài trăm cái, cả khách trong miền Nam ra chơi cũng tìm mua làm quà. Năm nay lượng bán mỗi ngày chỉ được gần 100 cái, giảm một nửa.

Ảnh:
Số lượng bánh chưng giảm đáng kể do thời tiết nắng nóng. Ảnh: Xuân Hưng

Nổi tiếng với nghề làm bánh (bánh chưng, bánh dầy, bánh gai) anh Đặng Ngọc Chiến làng Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội, người đã lập trang web giới thiệu các sản phẩm của làng nghề trên mạng cho biết, lượng bánh chưng mà Tranh Khúc cung cấp cho thị trường Hà Nội có thể lên tới 50-60%, nhưng thời tiết nắng nóng đã giảm đi đáng kể. Bình thường mỗi hộ có thể đưa ra thị trường 1.000 đến 2.000 chiếc mỗi ngày, hiện tại giảm còn một nửa.

Chị Thủy một hộ gói bánh ở đây than thở, vào tầm này năm ngoái, tiết trời lạnh, lượng bánh mà nhà chị xuất đi mỗi ngày lên tới vài nghìn chiếc, một số hộ còn bị cháy hàng, lượng bánh làm ra không đủ cung cấp cho nhu cầu đặt hàng, Chị Thủy hy vọng nhu cầu mua bánh sẽ tăng lên trong những ngày cuối. "Gia đình mình đã chuẩn bị sẵn sàng làm hàng gấp nếu nhu cầu mua bánh tăng trong mấy ngày giáp Tết", chị nói thêm.

Gần đây, trên thị trường có xuất hiện một loại bánh chưng mới có thời gian bảo quản lâu hơn, ruột không khác nhiều nhưng bánh có lớp lá mỏng hơn bình thường và thêm túi nylon hút chân không bọc ở bên ngoài. Loại bánh này được bày bán chủ yếu ở trong các siêu thị. Chị Phùng Ngọc Thu, Trưởng phòng Kinh doanh hệ thống siêu thị Intimex cho hay, Intimex nhập bánh chưng của một số doanh nghiệp với mức giá bán từ 35.000 đồng đến 37.000 đồng mỗi chiếc tùy loại. Hiện sản phẩm này thu hút sự quan tâm của khách, song theo chị Thu lượng tiêu thụ có thể không cao như kỳ vọng nếu thời tiết cứ tiếp tục nắng nóng.

Không thể thiếu trong mâm chưng ngày Tết, dưa hấu to, quả tròn cỡ 8-20 kg bắt đầu bày bán ở khắp các chợ tại TP HCM. Tuy nhiên, do có tháng nhuần nên năm nay Tết đến muộn hơn, chưa kể thời tiết thất thường khiến nhiều ruộng dưa ở miền Tây ngập úng, hư hại nhiều. Chính vì vậy, số lượng cung ứng cho thị trường không chỉ giảm đi, mà giá còn đắt đỏ hơn, ước tăng 40% so với năm trước.

Hà Nội: Bánh chưng bán chậm vì nóng - Ảnh 2
Dưa hấu năm nay đắt hơn năm ngoái 30-40% do ảnh hưởng của thời tiết. Ảnh: B.H.

Một số nơi bán với giá 14.000-18.000 đồng một kg, tùy vào trọng lượng, độ bóng loáng, hài hòa, đẹp mắt của quả dưa. Song, nhiều vựa dưa, chủ bán theo kích cỡ mà nói giá, chứ không cân ký và hầu như đều xấp xỉ 200.000 đồng một quả. Theo lý giải của anh Lộc, chủ vựa dưa chợ Gò Vấp: "Nếu treo bảng gần 20.000 đồng một kg, người tiêu dùng sẽ cảm thấy giá này quá cao. Còn nếu tùy vào quả dưa mà nói giá, người mua dễ chấp nhận hơn".

Rau quả, thực phẩm ở TP HCM cũng tăng cao khi còn 4 ngày nữa là đến năm mới. Trứng gà, trứng vịt liên tục có giá mới, bởi sức mua có xu hướng tăng dần. Sáng nay trứng vịt lên 30.000 đồng một chục quả; trứng gà ở mức 18.000-19.000 đồng; trứng cút bán với giá 13.000 đồng một vỉ, đắt hơn tuần trước 3.000-5.000 đồng.

Ngoài trứng, nguyên liệu chính cho món thịt kho hột vịt ngày Tết của người dân miền Nam là thịt lợn cũng điều chỉnh thêm 1.000-2.500 đồng một kg tùy loại. Còn các loại thủy, hải sản như mực, tôm, cá, tăng lên gần 100.000 đồng mỗi kg, do nhu cầu tích trữ để tiêu dùng ngày Tết tăng cao.

Trong khi đó, hàng rau củ quả, trái cây cũng nhích nhẹ vài trăm đến vài nghìn đồng một kg. Một số tiểu thương cho biết, đã tích trữ sẵn trái cây để vào khoảng ngày 27 âm lịch đủ sức cung ứng cho thị trường.