Hà Nội: Bão làm chợ ế ẩm, rau xanh tăng giá mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bị ảnh hưởng của cơn bão số 5, các chợ nội thành đều vắng vẻ, ế ẩm hơn so với thường nhật. Tuy nhiên, rau xanh vẫn tăng giá 30-50%. Hệ thống siêu thị được dịp hút khách nhờ chương trình bình ổn giá.

Tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội sáng 30/9, lượng khách khá thưa thớt. Chỉ một số ít người mặc áo mưa, đội nón ra mua thực phẩm tươi sống, chủ yếu là các bạn sinh viên trọ học ở khu vực này. Nguyễn Thành Nam, sinh viên trường đại học Giao thông vận tải, thuê nhà trong ngõ 79 Cầu Giấy chia sẻ, do không có tủ lạnh bảo quản nên cậu chỉ có thể mua thức ăn theo ngày, dù trời mưa gió.

Trong chợ Nhà Xanh, lúc 10h sáng, nhiều bàn thịt, sạp rau vẫn chất đầy hàng. 11h, tình hình cũng không cải thiện hơn nhiều. Cô Lan, kinh doanh thịt lợn tại đây cho biết thêm, mọi khi giờ này cô đã bán hết, về chuẩn bị cơm nước cho hai đứa nhỏ ăn để đi học nhưng hôm nay trưa rồi mà vẫn ế. "Cũng biết mưa bão, mọi người đi chợ ít nên đã chủ động nhập rút hàng xuống nhưng cả sáng vẫn chưa bán hết", cô Lan rầu lòng nói.

Nguyên nhân khiến các chợ vắng khách những ngày mưa bão là do một bộ phận người tiêu dùng chuyển sang đi siêu thị hoặc đã mua tích trữ thực phẩm từ trước đó. Bác Tâm, nhà ở Lê Thanh Nghị, Hà Nội tâm sự, sớm qua bác đã mua hơn 3 cân thịt, 2 quả bí xanh và một cân lạc nên hôm nay không cần ra chợ nữa. Bác nói: "Mua thịt về làm ruốc cho các cháu, còn lại rim lên ăn dần, có bí luộc, lạc rang thì mưa đến 3 hôm vẫn đủ thức ăn".

Còn bà Vy, 65 tuổi, sống ở Đại La, Hà Nội những ngày này cũng không được con cái cho ra chợ. "Cô con dâu bảo đi làm về sẽ vào siêu thị gần cơ quan mua đồ ăn, giá rẻ hơn. Ra chợ, mưa gió, nó sợ tôi trơn trượt lại ngã nên không cho đi", bà giải thích.

Ghi nhận của PV, các loại thịt vẫn giữ giá so với thời điểm trước bão. Thịt lợn giá dao động từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng một kg. Trong đó, nạc thăn giá 130.000 đồng, thịt mông sấn là 110.000 đồng, đắt hơn so với thịt ba chỉ là 10.000 đồng. Thịt bò vẫn ở mức 160.000-200.000 đồng, tùy theo phần bắp hay lõi.

Trong khi đó, giá rau xanh tăng giá rất mạnh, từ 30% đến 50%. Tính theo đơn vị mỗi kg, cà chua từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng; khoai tây từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng, bắp cải giá 8.000 đồng lên 10.000 đồng, bí xanh từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng, su hào giá 5.000 đồng một củ...Những loại rau để được lâu như bí đỏ, bí xanh, khoai tây hay củ cải được nhiều người chọn mua hơn so với các mặt hàng khác.

Theo các tiểu thương, mưa bão, nhiều loại rau dập nát nên giá bị đội lên nhanh chóng. Cô Viết, chủ sạp rau xanh trong chợ Dịch Vọng Hậu giải thích, giá chợ mỗi ngày mỗi khác nên luôn bị ảnh hưởng bởi mưa nắng. "Thường ngày, mỗi hộ trồng rau xanh thu hoạch được trên dưới một triệu đồng, nay gặp mưa lớn, nhiều sản phẩm hỏng thì họ nâng giá bán buôn lên. Người vận chuyển trên đường đi cũng khó tránh làm dập nát thêm một số rau, củ quả nên lại tăng giá để bù vào. Đến khâu chúng tôi nhập hàng vào, giá cũng đắt lên vài lần rồi", chị Viết cho biết.
 
Hà Nội: Bão làm chợ ế ẩm, rau xanh tăng giá mạnh - Ảnh 1
 
Nhiều loại rau xanh tăng giá mạnh từ 30% đến 40%. Trong đó, những loại củ quả để được lâu như bí đỏ, bí xanh, su hào, khoai tây...được nhiều người chọn mua. Ảnh: Xuân Ngọc

Trong khi đó, do áp dụng chương trình bình ổn giá nên thực phẩm trong các hệ thống siêu thị vẫn giữ mức ổn định. Theo mỗi kg, thịt mông sấn giá 125.000 đồng, thịt vai là 131.000 đồng, thịt ba chỉ giá 126.000 đồng; rau muống, bí xanh, rau ngót loại 350g đều có giá 4.500 đồng, bí xanh có giá 10.000 đồng, khoai tây 14.000 đồng...

Đây cũng là lý do khiến lượng khách mua sắm ở siêu thị tăng hơn so với thường nhật trong những ngày mưa bão. Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, khách đến siêu thị những ngày qua tăng 40-50%, đông nhất là vào một vài ngày trước bão và tập trung mua ở nhóm hàng thiết yếu được bình ổn giá. Bà Hậu cung cấp, để chuẩn bị cho cơn bão, Fivimart đã vận chuyển hàng hóa từ kho của tổng công ty về các siêu thị tăng 40% so với bình thường, đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng.

Bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty thương mại Hapro cho biết, lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 3 lần so với số vốn được ứng của UBND Thành phố Hà Nội, đảm bảo đủ lương thực, rau xanh và bình ổn giá. Từ ngày 29/9, lượng khách đến các siêu thị Hapro đã tăng 50% so với bình thường, nhu cầu tiêu dùng phần lớn là thực phẩm tươi sống và đặc biệt rau xanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần