Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Bắt giữ gần 12.000 sản phẩm nhập lậu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Ngày 15/7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) thông tin, Đội QLTT số 8 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh, tập kết hàng hóa tại số 6B1, Khu tập thể đường sắt (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) đã phát hiện một lượng lớn hàng nhập lậu.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 11.579 sản phẩm gồm nước gội đầu, thuốc nhuộm tóc, máy cắt tóc, kéo… các loại do nước ngoài sản xuất với trọng lượng 4 tấn, tổng giá trị hàng hóa khoảng 500 triệu đồng.
Đội trưởng Đội QLTT số 8 Trương Đình Minh cho biết, tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh Nguyễn Thị Bích không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng, đồng thời khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên được thu gom trôi nổi trên thị trường về bán. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ, xử phạt theo quy định pháp luật.
 QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh, tập kết hàng hóa tại số 6B1, Khu tập thể đường sắt (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm).

Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện 2.205 vụ hàng lậu, hàng giả, 717 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, 10.447 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 1.550 tỷ đồng.
Theo Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng, tình trạng kinh doanh vận chuyển hàng nhập lậu trong thị trường nội địa vẫn diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, cất giữ bằng nhiều thủ đoạn như thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hoá nên việc triển khai kiểm tra gặp nhiều khó khăn.
Trong những tháng đầu năm, các đối tượng kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội, đồng thời lợi dụng vận chuyển bằng hình thức chuyển phát bưu điện nhằm trốn tránh sự phát hiện và xử lý của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả vẫn còn xảy ra. Hàng giả tập trung chủ yếu ở một số chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp có uy tín; giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.