Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Bước tạo đà vững chắc từ danh hiệu thế giới

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tròn 20 năm sau khi Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, ngày 30/10/2019, TP Hà Nội tiếp tục được vinh danh (cùng 66 thành phố trên thế giới) là thành viên “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực “Thiết kế”.

Sự kiện này đã giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa cho được nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm”, đảm bảo thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo”.
Hà Nội là thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế. Ảnh: Lê Việt
Trong đơn đệ trình UNESCO ghi danh Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, UBND TP Hà Nội nhấn mạnh khát vọng vị thế Thành phố sáng tạo về thiết kế, đồng thời khẳng định di sản văn hóa trù phú của Hà Nội là sự kế thừa của gia tài sáng tạo và đổi mới, là mảnh đất màu mỡ để phục hưng văn hóa trong thời đại mới với sự dẫn dắt của thanh niên - những công dân tài năng và năng động của Hà Nội. Hà Nội cũng là địa phương có tiềm lực khoa học công nghệ rất lớn với 82% số trường đại học và 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nhằm trên địa bàn. Cả nước có 5 khu công nghiệp công nghệ cao thì 2 khu ở Hà Nội. Ngoài ra, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ) quy tụ ở Hà Nội. Riêng Đảng bộ các trường đại học và cao đẳng trực thuộc Thành uỷ Hà Nội có đến 13.000 giáo sư, phó giáo sư.

Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh, triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo góp phần hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, Hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, quỹ văn hóa… nhằm khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft cho rằng, thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội đem lại một nền tảng cho hợp tác và phát triển, đó không chỉ là hợp tác giữa các sáng kiến trong khu vực của Hà Nội mà còn là những cơ hội hợp tác mới giữa Hà Nội và các Thành phố sáng tạo khác của UNESCO trong khu vực và trên thế giới. Danh hiệu này đại diện cho sự tiếp nối truyền thống vì nó được xây dựng dựa trên di sản của Hà Nội như một Thủ đô văn hóa và một Thành phố vì Hòa bình - danh hiệu mà thành phố đã được UNESCO trao tặng vào năm 1999. Tất cả những điều này tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.