Gần đây, tại Hà Nội một số thương hiệu cà phê mang đi cạnh tranh bằng việc cho ra đời những quầy hàng lưu động ở ngay khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng.
Arobi Coffee, Kenz Coffee, Double Coffee… bắt đầu có những quầy hàng đầu tiên ở khu vực Cầu Giấy và cho biết sẽ phát triển xu hướng này trong năm 2013.
Một quầy cà phê lưu động mới được khai trương gần đây tại Hà Nội. Ảnh: Anh Quân
Phát triển rầm rộ tại Việt Nam vào khoảng cuối năm 2011, những cửa hàng take away cafe (hay còn gọi là cà phê mua và mang đi hay coffee to go) có phong cách độc đáo và thu hút đông đảo giới trẻ. Hình thức này chủ yếu dành cho những người trẻ hiện đại muốn thưởng thức nhưng không có nhiều thời gian. Những cốc cà phê được pha chế nhanh chóng, khách hàng chỉ cần chờ trong vài phút, có thể mang đi trong những lúc bận rộn. |
Giá mỗi cốc cà phê tại các quầy hàng này dao động từ 13.000 đến 15.000 đồng. Bên cạnh đó, các loại trà và thức uống khác cũng được bán phụ trợ với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng mỗi ly. Khách hàng có nhu cầu gọi điện sẽ được giao miễn phí tới tận văn phòng sau 5 đến 10 phút.
Có cửa hàng ở một vị trí khá đẹp tại một phố lớn, nhưng Kenz Coffee vẫn phát triển thêm quầy hàng lưu động để thực khách được “mục sở thị” cách pha chế và yên tâm hơn khi thưởng thức đồ uống. Chị Vân, chủ nhân cửa hàng này cho biết, việc cho ra đời quầy cà phê lưu động nhằm tiếp cận trực triếp với những khách hàng văn phòng - lực lượng có nhu cầu lớn nhưng ít thời gian di chuyển. Theo chị Vân, nếu chỉ tiếp cận khách theo cách thông thường thì sẽ không đạt hiệu quả.
“Khách có nhu cầu phục vụ tận nơi thì mình đáp ứng. Hơn nữa, mặt hàng đồ uống rất bất tiện khi mang đi xa nên chúng tôi phải tự tìm cách tiếp cận với khách hàng”, chị Vân cho biết.
Một số công ty chuyên sản xuất và phân phối cà phê cũng không ngần ngại cho ra đời quầy hàng take away như một cách tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Thành lập từ tháng 4, đầu tháng 11 Arobi Coffee cũng cho ra đời những quầy hàng take away đầu tiên tại Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Duy - Giám đốc khu vực miền Bắc của Arobi Coffee cho biết phát triển hệ thống nhà hàng take away mục đích trước mắt vẫn là quảng cáo thương hiệu. Chủ cửa hàng Kenz Coffee cũng cho biết, hiện mục tiêu chính của quầy hàng lưu động là đưa hình ảnh của Kenz đển với người tiêu dùng.
Đại diện Arobi cho biết đầu tư một quầy cà phê di động không tốn nhiều kinh phí như cửa hàng. "Hơn nữa, nếu không đạt hiệu quả có thể thay đổi địa điểm đặt quầy nên tiện lợi hơn mà không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch kinh doanh", anh Duy cho biết.
Chị Vân cũng cho rằng, đây là một lợi thế của những quầy cà phê lưu động. Do đó, theo chị Vân, hình thức đầu tư này phù hợp với những cá nhân không dư giả về tài chính. Tuy nhiên, việc nhiều thương hiệu đua nhau cho ra đời những quầy hàng lưu động khiến việc cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này đòi hỏi các quầy hàng tạo ra sự khác biệt trong hương vị đồ uống, cách phục vụ và các chương trình ưu đãi.
Bên cạnh việc giao hàng tận văn phòng làm việc chỉ sau 5 đến 10 phút gọi điện, các quầy hàng liên tục có những khuyến mãi hấp dẫn để thu hút và giữ chân khách. Ví dụ ưu đãi mỗi ngày đối với 5 khách hàng may mắn sẽ được tặng 5 cốc cà phê miễn phí. Một quầy hàng còn có ngày thứ 4 thân thiện, giá mỗi cốc cà phê sẽ giảm chỉ còn 10.000 đồng hoặc chương trình tặng thẻ giảm giá…
Về doanh số bán hàng, vị đại diện của Arobi cho biết, hiện cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội tiêu thụ khoảng 80-100 ly cà phê mỗi ngày. Kết quả thử nghiệm khá khả quan nên, anh Duy cho biết, Quang Trí Thành mới khai trương thêm một quầy hàng lưu động tại Biên Hòa, Đồng Nai.
“Từ nay đến đầu năm 2013 mục tiêu tại Hà Nội, Arobi sẽ xây dựng ít nhất 5 quầy hàng lưu động với số lượng bán 1.000 ly sản phầm mỗi ngày”, anh Duy cho biết.
Double Coffee cũng cho ra mắt 2 quầy hàng lưu động cách đây 1 tháng với doanh số 50-60 ly cà phê mỗi ngày. Kenz Coffee cũng đạt doanh thu tương đương sau những ngày khai trương đầu tiên.