95 năm ngày thành lập đảng

Hà Nội: các nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành chất lượng, tính khả thi cao

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐND TP Hà Nội đã tổ chức 6 kỳ họp và ban hành 115 nghị quyết, trong đó có 17 nghị quyết triển khai thi hành Luật Thủ đô. Các nghị quyết được ban hành đều có tính khả thi cao, được các cấp, các ngành triển khai theo đúng quy định, thực sự đi vào cuộc sống.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, năm 2024, HĐND TP Hà Nội đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án số 15/ĐA-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội”; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ Đại biểu HĐND và đại biểu HĐND”, để hoạt động của HĐND TP và các cấp ngày càng bài bản, hiệu lực, hiệu quả hơn.

HĐND các cấp TP đã chủ động, trách nhiệm, kịp thời tổ chức các kỳ họp thường lệ, chuyên đề để xem xét, quyết nghị các vấn đề quan trọng, cấp thiết, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các cơ chế chính sách, biện pháp để đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.

Đại biểu bấm nút thông qua nội dung nghị quyết tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội
Đại biểu bấm nút thông qua nội dung nghị quyết tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội

HĐND TP đã tổ chức 6 kỳ họp, trong đó có 4 kỳ họp chuyên đề và 2 kỳ họp thường lệ. Các kỳ họp đã kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, cấp thiết, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các cơ chế chính sách, biện pháp để đảm bảo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố.

Tại các kỳ họp, HĐND TP đã ban hành 115 nghị quyết, so với năm 2023 tăng 45 nghị quyết. Các nghị quyết được ban hành đều rất chất lượng, có tính khả thi cao, được các cấp, các ngành triển khai theo đúng quy định, thực sự đi vào cuộc sống.

Có thể kể đến một số nghị quyết tiêu biểu như nghị quyết về việc cân đối, bố trí vốn, các dự án đầu tư công có mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đều đang được đẩy mạnh triển khai. Đó là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với tổng vốn Hà Nội đã đầu tư cho dự án là khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai với tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỷ đồng; dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng... và rất nhiều dự án đầu tư công khác. Những dự án này án này có tác động rất lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cùng với đó, các nghị quyết quan trọng khác đã được ban hành như: Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP; phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của TP; Chương trình phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2035; Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công; Phê duyệt mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chỉ thường xuyên, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao năm học 2024-2025...

Các nghị quyết của HĐND TP được thông qua tại kỳ họp với tỷ lệ tán thành cao
Các nghị quyết của HĐND TP được thông qua tại kỳ họp với tỷ lệ tán thành cao

Bên cạnh đó, ngay sau khi Luật Thủ đô được thông qua, HĐND TP tiếp tục triển khai ngay hội nghị phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật tới đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thành phố, đồng thời ban hành kế hoạch với 89 nội dung cụ thể để triển khai Luật. Thường trực HĐND TP đã chủ động phối hợp với UBND TP chuẩn bị kỹ các nội dung và tổ chức các kỳ họp HĐND theo đúng kế hoạch để xem xét, quyết nghị thông qua các nghị quyết triển khai thi hành luật Thủ đô bảo đảm theo đúng quy định. Đến nay HĐND TP đã ban hành 17 nghị quyết cụ thể hoá các nội dung của Luật Thủ đô và đang tiếp tục triển khai các nội dung khác.

Cùng với hoạt động tại kỳ họp, Thường trực HĐND TP đã duy trì và thực hiện nghiêm túc các phiên họp Thường trực HĐND; giao ban giữa Thường trực HĐND với chuyên trách các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP; giao ban chuyên đề của Thường trực HĐND TP với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã theo quy chế để chỉ đạo, xem xét, giải quyết đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ đề ra.

Thường trực HĐND TP đã xem xét, cho ý kiến vào hơn 56 nội dung quan trọng theo thẩm quyền giữa hai kỳ họp: cho ý kiến về chủ trương các dự án đầu tư công, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chủ trương đầu tư dự án vốn ngoài ngân sách; cho ý kiến, phê chuẩn nhân sự HĐND cấp huyện theo thẩm quyền; phối hợp triển khai các các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô… và các nhiệm vụ quan trọng của TP.

Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND TP, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội và các cơ quan của TP tiếp tục được tăng cường đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và triển khai các nghị quyết.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, HĐND TP Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô, trong đó bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy về phát triển đất nước Thủ đô để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả đáp ứng trong tình hình chung của đất nước trong “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Cùng với đó, tập trung phối hợp xây dựng hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách để cụ thể hóa triển khai thi hành Luật Thủ đô; Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô... Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện phân công nhiệm vụ, các quy chế hoạt động, quy trình nội bộ xử lý công việc của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND TP, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.