Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Các vụ án tham nhũng được xét xử kịp thời, nghiêm minh

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng được tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Ngày 3/12, báo cáo tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa XV, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thông tin, từ ngày 1/12/2018 đến ngày 1/11/2019, TAND hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý trên 35.800 vụ án, giải quyết trên 27.700 vụ, đạt tỷ lệ 77,3%. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ thụ lý tăng gần 3.000 vụ, số giải quyết tăng trên 1.000 vụ.

Chú trọng đến thu hồi tài sản tham nhũng

Theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, thời gian qua, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là các vụ án tham nhũng được tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình ủng hộ như vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn; vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Lê Bạch Hồng và đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BHXH Việt Nam…

“Xét xử những vụ án này, bản án của tòa được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu và có khoan hồng với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến thu hồi tài sản tham nhũng” - Chánh án TAND TP thông tin.

 Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính báo cáo tại kỳ họp.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chánh án TAND TP Nguyễn Hữu Chính cũng nêu một số tồn tại, hạn chế trong năm 2019, như còn một số vụ án quá hạn kéo dài, một số vụ tạm đình chỉ chưa có căn cứ; lượng án hành chính tồn vẫn còn nhiều; tiến độ giải quyết án còn chậm; tỷ lệ giải quyết án chưa cao.

Bên cạnh đó, biên chế ít, số lượng án nhiều, trình độ thẩm phán còn chưa đồng đều, một số thẩm phán vẫn còn tư tưởng chọn những án dễ làm trước. Đây là một trong những nguyên nhân của việc một số vụ án phức tạp bị để lâu, kéo dài.

Trong năm 2020, một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của TAND hai cấp TP là đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án lớn, đặc biệt là án hành chính; khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật.

Triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án

Theo Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, ngày 1/10/2018, TAND Tối cao đã ban hành Kế hoạch về việc tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số tỉnh, TP, trong đó có Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được Kế hoạch của TAND Tối cao, TAND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, đồng thời ban hành nhiều văn bản gửi các quận ủy, huyện ủy nơi thực hiện thí điểm để đề nghị quan tâm, phối hợp với TAND TP Hà Nội trong việc triển khai thí điểm và tạo điều kiện giúp TAND TP quận, huyện được lựa chọn thí điểm trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm…

Ngàv 1/11/2018, Chánh án TAND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP và TAND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức và Chương Mỹ với 85 hòa giải viên, đối thoại viên có kinh nghiệm, uy tín trong xã hội; đồng thời các đơn vị đã bố trí đầy đủ cơ sở vật chất cho các trung tâm hòa giải để thực hiện nhiệm vụ triển khai thí điểm ngay sau khi được thành lập.

Tính đến nay, 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý 1 1.390 đơn khởi kiện các loại; đã giải quyết 7.716 đơn, trons đó, hòa giải, đối thoại thành và đương sự rút đơn: 5.487 vụ việc; Hòa giải, đối thoại không thành 2.229 vụ việc (tỷ lệ hòa giải thành trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 71,1%).

Qua thời gian thực hiện thí điểm công tác hòa giải, đối thoại, có thể nhận thấv hòa giải là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội. Bên cạnh đó còn giúp hạn chế tranh chấp, khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án. Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận, xây dựng khối đại đoàn kết trong Nhân dân.