Mảnh đất giàu tiềm năng
Theo đại diện UBND huyện Thanh Oai, toàn huyện có 51 làng nghề với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như nón lá làng Chuông (xã Phương Trung) đã xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản... giò chả, bánh chưng, bánh dày Ước Lễ (xã Tân Ước), điêu khắc Võ Lăng (xã Dân Hòa)… Thanh Oai cũng sở hữu 266 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 151 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và TP, tiêu biểu như: Đền Nội và đình Ngoại Bình Đà (xã Bình Minh), chùa Sổ (xã Tân Ước), đình - chùa - miếu Cự Đà (xã Cự Khê), đình - chùa Chuông (xã Phương Trung), Nhà lưu niệm Bác Hồ (xã Xuân Dương)...
Ngoài ra, Thanh Oai còn sở hữu tài nguyên du lịch sinh thái với các điểm đến có cảnh quan đẹp như khu đầm Thanh Cao và Cao Viên, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng 12 con giáp (xã Cao Dương), những vườn cây ăn trái tại 7 xã ven sông Đáy...
Nhận diện nguồn lực phát triển du lịch của Thanh Oai, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho rằng, với nhiều di tích lịch sử, làng nghề trên địa bàn huyện, có sông Đáy chảy qua nên rất thuận lợi cho phát triển các du lịch sinh thái, tâm linh, làng nghề, nông nghiệp trải nghiệm gắn với du lịch học đường…
“Những di tích như Đền Nội (xã Bình Minh) thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nơi đây còn có bức giá tượng Lạc Long Quân là bảo vật Quốc gia; Chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) thờ Thánh Bình An, là một ngôi chùa cổ bậc nhất TP Hà Nội cùng nhiều lễ hội truyền thống, phong phú, độc đáo, lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Đó là cơ sở để huyện Thanh Oai phát triển du lịch tâm linh”- ông Ngôn nêu ví dụ.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Thực tế cho thấy, mặc dù là mảnh đất giàu tiềm năng, tuy nhiên phát triển du lịch của Thanh Oai chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe tại các điểm du lịch, nhà vệ sinh công cộng, điểm mua bán quà lưu niệm. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản… Vì vậy, du khách đến với Thanh Oai chủ yếu là đi trong ngày, mức chi tiêu thấp nên doanh thu từ dịch vụ du lịch chưa cao.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người dân tham gia hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP và Chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối các tour, tuyến còn gặp nhiều khó khăn…
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, để thu hút du khách, thời gian tới huyện Thanh Oai nên sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo như dịch vụ du lịch trọn gói, các chương trình du lịch trải nghiệm. “Huyện Thanh Oai nên tăng cường kết nối Khu di tích đình chùa với các làng nghề trên địa bàn huyện từ đó hình thành các tour tham quan du lịch giáo dục văn hóa, lịch sử, đồng thời trải nghiệm du lịch sinh thái”- ông Hiếu gợi ý. Đồng thời đẩy mạnh giới thiệu các sản phẩm làng nghề, xây dựng sản phẩm trải nghiệm khác biệt, hướng tới có dịch vụ lưu trú qua đó giúp du khách kéo dài thời gian tham quan.
Trước những gợi ý, hiến kế của chuyên gia, cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho biết, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua, Thanh Oai đang tập trung phát triển các tour đặc trưng để thu hút du khách, trong đó lấy du lịch văn hóa làm nền tảng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, làng nghề, trải nghiệm.
Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ các huyện ngoại thành nói chung, Thanh Oai nói riêng phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ góp phần thu hút du khách mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.