Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp nối thành công của Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài”, tới đây TP Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các DN trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”. Tại hội nghị này, TP Hà Nội sẽ lắng nghe các kiến nghị của cộng đồng DN, từ đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Sản xuất tại Công ty CP Cơ khí Tâm Hợp, Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Trần Việt
Lắng nghe để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp
Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các DN trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” do UBND TP Hà Nội chủ trì, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) thực hiện tổ chức vào thời điểm đầu tháng 11/2021.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương thông tin, hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Hội nghị sẽ có sự tham dự của 150 đại biểu, gồm đại diện một số bộ ngành T.Ư; lãnh đạo TP Hà Nội và các sở, ngành TP; Hiệp hội DN, ngành nghề, DN đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội (không bao gồm DN FDI).
“Nội dung chính của hội nghị bao gồm báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và kết quả giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho DN trong thời gian qua. Các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới, đồng thời, trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho DN”-ông Dương nêu rõ.

Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2021, toàn TP Hà Nội có 2.298 DN đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 37,1 nghìn tỷ đồng, tăng 71%. Như vậy, trong 10 tháng qua TP Hà Nội có 19.800 DN đăng ký thành lập mới, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký đạt 275,2 nghìn tỷ đồng, giảm 2%. Thực tế cho thấy, trong 10 tháng qua, mặc dù dịch Covid-19 gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng cộng đồng DN đã có những đóng góp quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu TP Hà Nội đạt 12,3 tỷ USD, trong đó DN Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 6,9 tỷ USD, trong khi DN FDI xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 5,4 tỷ USD.

Doanh nghiệp kỳ vọng Hà Nội hỗ trợ để phục hồi sản xuất

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng thông tin, để phục hồi sản xuất hậu Covid-19, cộng đồng DN TP

Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội xây dựng giải pháp hỗ trợ, như tiếp tục được miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, kết nối tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cho phép DN chủ động hơn trong xây dựng giải pháp phòng dịch… Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ (Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) Trần Thị Thu Hà đề xuất, TP Hà Nội nên có chính sách tạo điều kiện cho người lao động đi lại làm việc qua đó giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dây & Cáp điện Thượng Đình (CADISUN) Huỳnh Tấn Quyền nêu rõ, để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nhưng việc tiếp cận không dễ dàng do các rào cản cơ chế nhất là thủ tục hành chính rườm rà. Vì vậy, CADI-SUN kiến nghị, thời gian tới TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính qua đó giúp DN tiếp cận những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ. Chính phủ giảm thuế VAT, thuế thuê đất, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho DN. Bên cạnh đó, TP Hà Nội nên tin tưởng, trao quyền cho DN trong hoạt động phòng, chống Covid-19 theo hướng DN kiểm soát hoạt động di chuyển của người lao động thay vì giao cho chính quyền địa phương, công an phường kiểm soát như hiện nay.

Đồng tình với kiến nghị này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông Nguyễn Đoàn Kết đề xuất, từ nay đến cuối năm 2021, các sở, ban ngành hướng dẫn chi tiết cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước với DN. Cụ thể, đối với chính sách thuế cho phép DN kéo dài thời gian giãn, hoàn thuế, tiền thuê đất, trước mắt là hết năm 2021 hoặc hết quý II/2022 để DN đỡ khó khăn về tài chính. Đồng thời, TP Hà Nội hỗ trợ DN Việt Nam khi xét duyệt đấu thầu các dự án nhất là sản phẩm Made in Việt Nam.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây) đề nghị, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết chế độ chính sách cho DN và người lao động; Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn phí. Hỗ trợ DN ngành dệt may tiếp cận các chương trình khuyến công của TP Hà Nội, từ đó đơn vị có thêm cơ hội tiếp cận những dây chuyền sản xuất hiện đại, từng bước phục hồi sản xuất hậu Covid-19.

Kiến nghị của các DN cho thấy, trong thời gian tới rất cần TP Hà Nội đồng hành, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt từ đó giúp DN Thủ đô tăng tốc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.
Đến thời điểm này dù các DN công nghiệp trên địa bàn Hà Nội còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… nhưng đã cơ bản phục hồi sản xuất, nhiều đơn vị đạt công suất 80 - 90%. Để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong thời gian tới HPA sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư qua đó kết nối các DN trong nước với đối tác quốc tế và trong nước. Dự kiến từ nay đến hết năm 2021, HPA sẽ tổ chức một số chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng và liên vùng. Cụ thể, HPA đã trình UBND TP Hà Nội phương án tổ chức Hội chợ đặc sản vùng miền vào cuối năm 2021.

Giám đốc HPA Nguyễn Ánh Dương
TP Hà Nội nên có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm của các DN đóng trên địa bàn TP Hà Nội khi mua sắm bằng ngân sách Nhà nước theo Chỉ thị 28/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 26/10/2021. Hỗ trợ giới thiệu các đối tác nước ngoài và tạo điều kiện cho các công ty tham gia Đề án Thành phố thông minh; Nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng đông Nguyễn Đoàn Kết
Hiện các nguồn lực dự trữ cho hoạt động sản xuất của DN đang dần cạn nhưng chi phí đầu vào, vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào làm đội chi phí giá thành sản xuất. Bên cạnh đó các DN đang phải đối mặt với chi phí vận chuyển logistics tăng từ 2 - 4 lần, có thời điểm tăng lên đến 5 lần so với trước khi có dịch. Mặc dù Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DN nhưng việc tiếp cận không dễ bởi điều kiện một số chính sách còn quá chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động linh hoạt. Kiến nghị UBND TP Hà Nội xây dựng giải pháp hỗ trợ, như tiếp tục được miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, giảm lãi suất và giãn thời gian trả các khoản đang vay.

Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Mạnh Quang Nguyễn Mạnh Quang