Hà Nội: cán bộ dôi dư sau sắp xếp được hỗ trợ thế nào?
Kinhtedothi - Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam, Sở Nội vụ Hà Nội đang trình UBND TP kế hoạch tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy trong các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn TP…
Chiều 28/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND TP gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2025.
Hỗ trợ, đào tạo nghề cho các cán bộ dôi dư
Nêu ý kiến nhóm vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới cho người lao động, anh Chu Xuân Thịnh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) cho hay, hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị. Sau khi bỏ cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã, nhiều cơ quan, đơn vị sẽ bị giải thể hoặc hợp nhất dẫn đến thay đổi cơ cấu nhân sự. Vì vậy, việc dư thừa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là điều không thể tránh khỏi.

Anh Chu Xuân Thịnh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình đặt câu hỏi
“UBND TP có giải pháp gì trong việc sắp xếp lại nhân sự hợp lý để bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu quả, không gây xáo trộn lớn và có giải pháp gì để tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới cho cán bộ bị dôi dư?” - anh Chu Xuân Thịnh đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ tháng 4/2025, Sở Nội vụ đã tham mưu với TP tiến hành rà soát. Đến nay, số lượng cán bộ công chức, viên chức và không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp của TP khoảng 11.000 người.
Sở Nội vụ Hà Nội đang trình UBND TP về kế hoạch tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy trong các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn TP, hướng tới 100% người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước được cơ quan chức năng tiếp cận để tư vấn, hướng dẫn, hướng nghiệp về đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm; được hưởng các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp (theo từng nhóm đối tượng) theo quy định hiện hành. 100% người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng cá nhân và nhu cầu của thị trường lao động.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam trả lời
Ngoài ra, TP cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm để tăng cơ hội trở lại thị trường lao động cho người lao động. Đồng thời, tham mưu TP bố trí thêm nguồn ngân sách cho vay giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho người lao động.
Băn khoăn hưởng thu nhập tăng thêm
Chị Vũ Thị Huệ (Trung tâm Y tế quận Long Biên) nêu ý kiến: thực hiện Luật Thủ đô 2024, từ ngày 1/1/2025, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm 0,8 lần quỹ lương cơ bản căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc. Tuy nhiên, các Trung tâm Y tế quận huyện, các trường học công lập trên địa bàn Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần chi thường xuyên nên đội ngũ cán bộ y tế tuyến y tế cơ sở và viên chức giáo dục không được hưởng thu nhập tăng thêm đó.
Chị Huệ đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP, nghiên cứu, xem xét trình cơ quan có thẩm quyền cho phép cán bộ y tế tuyến cơ sở được hưởng phụ cấp 0,8 lần quỹ lương cơ bản như các công chức, viên chức khác của TP.

Chị Vũ Thị Huệ (Trung tâm Y tế quận Long Biên) nêu ý kiến
Trả lời, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, căn cứ khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024; căn cứ Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND TP Hà Nội, ngày 29/12/2024, UBND TP đã có văn bản số 4405/UBND-SNV về tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, trong đó giao nhiệm vụ Sở Tài chính Hà Nội xác định danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc TP quản lý được hưởng chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND.
Ngày 3/1/2025, Sở Tài chính Hà Nội đã có Tờ trình số 43/TTr-STC tham mưu báo cáo UBND TP ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 10/1/2025 về việc tạm cấp bổ sung kinh phí năm 2025 để thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND TP. Theo đó, Sở Tài chính Hà Nội đã tổng hợp và đề xuất xác định tạm cấp bổ sung kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho các đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND.
Như vậy, hiện nay đơn vị sự nghiệp công lập có thu không thuộc đối tượng áp dụng được hưởng chi thu nhập tăng thêm theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô; Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND TP Hà Nội. Thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 4405/UBND-SNV ngày 29/12/2024 của UBND TP về việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, Sở Nội vụ Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính Hà Nội theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND và những đề xuất, kiến nghị, đánh giá tác động trong quá trình triển khai thực hiện để báo cáo, tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết thay thế từ năm 2026 đảm bảo đúng quy định.

Chị Bùi Thị Hoa (Trường Mầm non Hoa Sữa) nếu kiến nghị
Xem xét về chế độ lương, thưởng đối với lao động hợp đồng
Chị Bùi Thị Hoa (Trường Mầm non Hoa Sữa) cho biết, nhân viên diện lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang được hưởng mức tiền công theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành là 4.960.000 đồng/tháng. Mức lương này quá thấp, khó đáp ứng với mức sống tối thiểu của xã hội hiện tại. Nghị định số 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Bởi vậy, các trường hợp diện hợp đồng lao động (không phải là viên chức) trong đơn vị sự nghiệp công lập không được hưởng chế độ tiền thưởng như trên, trong khi đó, họ cũng làm việc, cống hiến trong suốt quá trình công tác. Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét về chế độ tiền lương và chế độ tiền thưởng đối với đối tượng lao động hợp đồng.
Trả lời, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động phù hợp với quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm đến chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp của người lao động”.
Tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động quy định: “Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp đúng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng”.
"Đối chiếu các quy định nêu trên, nhân viên hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập đang được hưởng mức tiền công theo mức lương tối thiểu vùng hiện hành là 4.960.000 đồng là không trái quy định pháp luật. Đối với kiến nghị xem xét lại mức lương 4.960.000 đồng là quá thấp, TP ghi nhận, đồng thời sẽ yêu cầu người sử dụng lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm quan tâm đến chế độ chính sách, quyền lợi hợp pháp của người lao động theo đúng quy định" - Phó Giám đốc Sở Nội vụ thông tin.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trực tiếp lắng nghe, giải quyết nguyện vọng của công nhân, người lao động
Kinhtedothi - Chiều 28/5, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị Chủ tịch UBND TP gặp gỡ, đối thoại với công nhân, người lao động Thủ đô năm 2025.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội gỡ vướng về nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động
Kinhtedothi - Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các công nhân, người lao động và sẽ có cách xử lý “mở” hơn về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhà ở cho thuê tại các khu công nghiệp…

Hà Nội chủ động xây dựng kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp với 3 trụ cột
Kinhtedothi - Trước tình hình Hoa Kỳ có thể thực thi chính sách tăng thuế nhập khẩu, UBND TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kịch bản hỗ trợ nhằm giảm thiểu tối đa những hệ lụy tiềm ẩn. Kịch bản hỗ trợ tập trung vào ba trụ cột chính.