Hà Nội: Cận cảnh hàng loạt sự cố đê điều nghiêm trọng do ảnh hưởng mưa bão

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền địa chất yếu cộng với mưa lớn do hoàn lưu 2 cơn bão số 7, 8 liên tiếp khiến hệ thống đê điều tại Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt sự cố đê điều đã xảy ra trên địa bàn nhiều huyện trong ít ngày qua.

Thông tin từ UBND huyện Ứng Hòa cho biết, vừa qua trên địa bàn xã Sơn Công đã xảy ra sự cố sạt lở mái thượng lưu đê tả Đáy. Chiều dài cung sạt khoảng 40m; chiều rộng cung sạt từ 8 - 10m. Đỉnh cung sạt sát mép bê tông mặt đê. Vị trí sạt sâu nhất so với lề đê là 1,4m. 
Cũng tại huyện Ứng Hoà, khu vực hạ lưu đê tả Đáy thuộc xã Đội Bình đã xảy ra sự cố sạt lở mái đê với chiều dài khoảng 60m. Chiều rộng cung sạt khoảng 3m. Vị trí sạt sâu nhất là 1,2m. Sự cố nằm ven đường giao thông nên ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.
Trong khi đó, hàng trăm người dân đã được huy động để đóng hơn 200 cọc tre và nhiều tấn đất đá để xử lý khẩn cấp sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê thượng lưu sông Bùi đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ). Nguyên nhân sự cố là do tường kè đá được xây dựng từ lâu. Địa chất nền yếu, cộng với mưa kéo dài làm đất ngấm nước dẫn đến sạt lở.
Vừa qua, Hạt Quản lý đê huyện Đan Phượng cũng ghi nhận và có thông tin về sự cố sạt trượt mặt đê, mái đê thuộc thượng lưu đê tả Đáy đoạn qua xã Song Phượng. Cung sạt có chiều dài 11m, lấn vào mặt đê khoảng 1,2m và sạt xuống trung bình 0,7cm. Sự cố xảy ra trên tuyến đê kết hợp giao thông quan trọng khiến lộ trình đi lại gặp nhiều khó khăn.
Giữa tháng 10/2021, trên tuyến đê hữu Đáy cũng ghi nhận sự cố lún, sụt nghiêm trọng đoạn qua xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức). Sự cố khiến mặt đê, thân đê bị lún, sụt với chiều dài 27m, trong đó có đoạn sâu nhất khoảng 1m. Mặt đê bê tông rộng 5,1m đã bị nứt vỡ, sụt lún. Lộ trình qua cống tạm thời bị gián đoạn.
Tại huyện Ba Vì, mái kè Phú Châu tại vị trí tương ứng K19+700 tuyến đê hữu Hồng thuộc thuộc địa bàn xã Phú Châu xuất hiện vị trí sạt cách chân đê 150m. Mái kè lún sụt, lấn vào đường bê tông gây rỗng nền đường đỉnh kè và tạo thành hố rỗng dài 3m, rộng 2m, sâu trung bình 0,8m. Sự cố đang ảnh hưởng đến an toàn của một số hộ dân lân cận.
Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, cùng với việc hệ thống đê điều qua thời gian đã bị xuống cấp, mưa kéo dài là nguyên nhân quan trọng khiến các sự cố phá sinh liên tiếp. Ngay sau khi các sự cố xảy ra, chính quyền các địa phương đã phối hợp với Hạt quản lý đê tổ chức xử lý giờ đầu, cơ bản bảo đảm an toàn trước mắt. 
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các sở ngành của TP tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các sự cố đê điều phát sinh. Trên cơ sở đó, tổng hợp, thống nhất báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo phương án xử lý phù hợp, bảo đảm an toàn đê điều và phòng chống, thiên tai về lâu dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần