Hà Nội cần được chủ động trong đầu tư đường sắt đô thị

Thạc sĩ Lê Trung Hiếu Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Kể từ năm 2010 đến nay, Hà Nội chưa hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư của một dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) mới nào; một trong những nguyên nhân chính là thủ tục thẩm định, đầu tư… phải trình qua quá nhiều cấp có thẩm quyền.

Đã đến lúc cần trao quyền và sự chủ động toàn diện cho TP trong việc triển khai các dự án giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như ĐSĐT.

Thời gian là yếu tố quyết định

Bài học thực tế rút ra từ công tác triển khai các dự án ĐSĐT trên địa bàn Hà Nội đã cho thấy những bất cập lớn trong toàn bộ quá trình từ đề ra chủ trương, lập, thẩm định, triển khai dự án, đến giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Trong khi dân số và phương tiện cá nhân gia tăng từng ngày, mỗi dự án ĐSĐT lại có thể mất hàng chục năm để thực hiện trọn vẹn.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã nêu ý kiến, đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến ĐSĐT trên địa bàn TP, nếu thực hiện theo quy trình, cách thức hiện nay sẽ manh mún và kéo dài. Hiện, Hà Nội đang tập trung sửa đổi Luật Thủ đô trình Quốc hội và Chính phủ xem xét. Đây được kỳ vọng là ngọn hải đăng soi đường cho công tác đầu tư hạ tầng nói chung và các dự án ĐSĐT của Thủ đô nói riêng.

Đối với các dự án giao thông vừa đắt đỏ, vừa có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng như ĐSĐT - xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, thời gian là một trong những yếu tố quyết định. Chậm trễ thực hiện dự án sẽ để lại những hệ lụy khôn lường về giao thông, kinh tế - xã hội và cả chính trị cho TP. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày một người dân Hà Nội bị ùn tắc giao thông từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng. ĐSĐT sớm được triển khai, đưa vào sử dụng ngày nào sẽ giảm thiểu được thiệt hại ngày đó.

Mặt khác, những tác động tích cực của ĐSĐT đối với môi trường sống, văn hóa đô thị là vô giá. ĐSĐT còn là hạt nhân trung tâm để tái cấu trúc đô thị theo mô hình TOD. Chậm trễ hoàn thành ĐSĐT sẽ làm chậm đà phát triển chung của TP. Hơn nữa còn phát sinh những hệ lụy không dễ giải quyết trong quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Đơn cử như tuyến ĐSĐT số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, do chậm thi công nhiều năm, hàng loạt khu vực hành lang các nhà ga đã bị công trình dân sinh xây dựng lấn chiếm, gây khó khăn không nhỏ cho toàn dự án.

Về nội tại của dự án, chậm trễ triển khai sẽ dẫn đến những thiệt hại vô cùng to lớn. Ví dụ như đơn giá định mức nguyên vật liệu, nhân công biến động qua từng năm theo xu hướng tăng lên sẽ dẫn đến đội giá thi công. Để đầu tư ĐSĐT với tổng vốn hàng tỷ USD, Hà Nội phải đi vay, chậm tiến độ khiến dự án không hoạt động được trong khi vẫn phải trả nợ. Chậm trễ do nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư là TP cũng sẽ bị các nhà thầu quốc tế phạt tiền theo giao ước trong hợp đồng.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các dự án ĐSĐT tại Hà Nội chậm tiến độ là do mất quá nhiều thời gian cho các khâu thủ tục từ tổ chức thực hiện, thẩm định dự án đến giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư của mỗi dự án ĐSĐT quá dài và phải trình qua nhiều cấp có thẩm quyền từ những sở, ngành liên quan, chính quyền TP cho đến các bộ, ngành của Chính phủ và Quốc hội.

Nhiều thủ tục đều phải theo quy trình đưa lên sở, ngành thẩm định, trình sang TP phê duyệt đề xuất, đưa lên bộ lấy ý kiến, rồi trình Chính phủ xem xét. Sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương lại đưa xuống TP ra quyết định phê duyệt… Các bước thủ tục quá phức tạp khiến tiến độ triển khai các dự án ĐSĐT thường chậm trễ, phát sinh rủi ro. Ví dụ như với dự án tuyến ĐSĐT số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, chỉ riêng việc tìm kiếm sự đồng thuận trong quy hoạch vị trí ga ngầm C9 đã khiến Hà Nội mất đến vài năm mới xong.

Phải có cơ chế đột phá

T.Ư Đảng, Chính phủ và TP đã nhận diện rất rõ vai trò của ĐSĐT. Bộ Chính trị yêu cầu trong hơn 20 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành khoảng gần 400km ĐSĐT còn lại của Thủ đô. Đây là thách thức hết sức nặng nề đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng, đề xuất mô hình tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng ĐSĐT mới. Trong đó chú trọng đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, khắc phục các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của những dự án ĐSĐT đang triển khai để có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Thiết nghĩ để rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cũng như thi công xây dựng các dự án, Quốc hội, Chính phủ nên giao quyền chủ động cho TP

Hà Nội trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư xây dựng các dự án ĐSĐT của TP. Cho phép Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định của TP để tổ chức thẩm tra, thẩm định các dự án ĐSĐT Hà Nội, báo cáo HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư; báo cáo Chủ tịch UBND TP quyết định đầu tư dự án; quyết định việc sử dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức ĐSĐT. Đồng thời trao thẩm quyền cho lãnh đạo TP quyết định các vấn đề về GPMB, quản lý nguồn vốn của dự án, quyết định xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.

Trong dự thảo Luật Thủ đô đã đề xuất Hà Nội được chủ động về cơ chế đầu tư xây dựng ĐSĐT theo mô hình TOD. Để thực hiện được, Hà Nội phải được trao cơ chế mới hoàn toàn, chủ động hơn về quản lý đầu tư xây dựng dự án kết cấu hạ tầng. Hà Nội tự quyết định chủ trương, cách thức đầu tư ĐSĐT theo quy hoạch chung, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về các dự án ĐSĐT. Các bộ, ngành giữ vai trò tham vấn, tham mưu cho Chính phủ trong công tác hậu kiểm, giám sát thực hiện dự án.

Giai đoạn phát triển đô thị “nóng” vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề, thách thức cho Hà Nội. Dư luận đã nói rất nhiều về “cơ chế đặc thù” cho giao thông tĩnh, ĐSĐT, đầu tư hạ tầng kỹ thuật… của Thủ đô. Thay vì với mỗi dự án, hay mỗi lĩnh vực độc lập lại phải trình để xin Chính phủ, Quốc hội cho một ngoại lệ, Hà Nội cần phải có một khung chính sách đặc thù chung tương thích với quy mô và vai trò của đô thị đặc biệt.