Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội cần khoảng 1.350 tỷ đồng để xử lý môi trường làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Công thương đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn Hà Nộị với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng.

Trong năm 2015, các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiến hành lập dự án và khởi công đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung cho bảy cụm công nghiệp, chín cụm khác đang triển khai. 

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã ngoại thành Hà Nội chú trọng triển khai công tác xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó nhiều làng nghề được xử lý ô nhiễm.

Tuy nhiên, công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề còn nhiều tồn tại do đặc thù hoạt động sản xuất của các hộ đều ở trong khu dân cư, việc thu gom và xử lý chất thải rất khó khăn.

Cơ sở hạ tầng, hệ thống thu gom nước thải chưa được xây dựng, thiếu kinh phí đầu tư. Mặt khác, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các cơ sở sản xuất tại làng nghề còn kém, dẫn đến tình trạng ô nhiễm kéo dài, ngày càng trầm trọng.
Rất nhiều làng nghề ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nặng.
Rất nhiều làng nghề ở Hà Nội đang trong tình trạng ô nhiễm nặng.
Theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề trên địa bàn thành phố của Trung tâm Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.

Tại làng nghề bún Phú Đô, cứ trong 10.200 tấn sản phẩm mỗi năm đã thải các chất ô nhiễm 76,9 tấn COD; 53,14 tấn BOD5; 9,38 tấn SS gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Đặc biệt là mới đây, tại xã Phương Tú, Liên Bạt (Ứng Hòa), nước thải từ làng nghề chưa qua xử lý xả xuống kênh mương, thâm nhập vào các ao nuôi trồng thủy sản của người dân khiến cá chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Còn tại xã Văn Võ (Chương Mỹ), cuộc sống của người dân bị đảo lộn do hứng chịu nước thải công nghiệp từ các làng nghề chế biến nông sản của huyện Hoài Đức, Quốc Oai chứa nhiều tạp chất chưa qua xử lý xả xuống sông Đáy.

Việc hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động đã ảnh hưởng đến sức khỏe như các bệnh tiêu hóa, bệnh ngoài da, mắt chiếm hơn 30%, bệnh hô hấp 20% và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi họng, thần kinh...

Nhằm khắc đẩy mạnh xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu thu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Công thương đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn Hà Nộị với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 – 2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Như vậy, để giải quyết triệt đổ ô nhiễm tại 1.350 làng nghề của Hà Nội hiện nay sẽ phải đòi hỏi số tiền không hề nhỏ. 

Dó đó, bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí nhà nước, Thành phố cũng khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, cùng với đó là khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn. Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả rác ở vùng II (khu vực phía nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ thải rác ở vùng III (khu vực phía tây) và khu vực ngoài thị xã Sơn Tây.